Tôi sẽ lại nơi tôi hằng mơ ước

Trong những giấc mơ ấy, tôi thấy một đứa bé gái gầy còm và xanh xao đang lẽo đẽo đi theo bạn để chờ xin miếng kẹo ăn thừa trên đường đi học về. Đứa bé gái đó giương cặp mắt ngây thơ và ngơ ngác nhìn tôi, không hiểu vì sao nó bị bố mẹ mắng chỉ vì thèm ăn kẹo. Cái đói lúc nào cũng hiện hữu, cào cấu, cắn xé tuổi thơ của nó.
Trong những giấc mơ ấy, tôi thấy hai đứa trẻ, một trai và một gái, đang ra sức hít lấy hít để cái mùi thơm nức toả ra từ nồi nước phở to đùng nghi ngút khói đặt bên đường. Chao ôi, cái mùi phở ấy mới ngon lành, hấp dẫn hai đứa bé làm sao! Mũi chúng phập phồng, còn mắt chúng nhìn thèm thuồng và ngưỡng mộ những vị khách đang ăn phở trong quán. Trong khi ngày nào cũng phải nhai cơm gạo hẩm đen sì, hôi rinh rích và đầy sạn, trộn lẫn ngô, sắn hoặc bo bo làm chúng nuốt phát nghẹn, thì phở quả là món đặc sản xa xỉ mà hai đứa trẻ không bao giờ dám nghĩ mình sẽ được ăn.
Trong những giấc mơ ấy, tôi thấy một cậu bé chạy bộ 5 cây số đến trường, dành dụm một hào xanh mẹ cho đi tàu điện để chiều về mua cho đứa em gái que kem. Đứa bé gái không dám cắn, chỉ mút kem cho cái vị ngọt lờ lợ của nước đá và đường hoá học ấy chảy dần dần vào cổ họng.
Những giấc mơ đó là hình ảnh tuổi thơ tôi trong thời bao cấp. Cái thời mà không riêng gì gia đình tôi, cả xã hội đều đói ăn. Bài học đầu tiên về nữ công gia chánh mẹ tôi dạy khi tôi sắp thành thiếu nữ là cắt một quả trứng muối thật mặn làm tám phần đều nhau, sao cho có đầy đủ cả lòng đỏ và lòng trắng để cả gia đình bốn người ăn trong một ngày. Trong xã hội ấy, cái đói cồn cào luôn bám riết, hành hạ người ta ở mọi lúc, mọi nơi. Đến nỗi, ai ai cũng chỉ nhăm nhăm, lo lắng tìm đủ mọi cách để làm sao nhét cho đầy cái dạ dày. Cái đói đã hạ thấp con người xuống ngang hàng với con vật. Một xã hội khốn nạn!
Khi thấy hai đứa con trưởng thành đều chọn con đường ra đi, sinh sống ở nước ngoài, mẹ tôi nghẹn ngào: “Đất mẹ nghèo không nuôi nổi các con tôi!”. Cho dù giờ đây, cuộc sống của tôi không còn nghèo đói nhưng nỗi ám ảnh của tuổi thơ vẫn đi theo tôi hằng đêm trong những giấc mơ và cả khi tôi đã thức dậy. Mỗi lần đi siêu thị, tôi cố lấy thật nhiều đồ ăn, mang về chất đầy trong tủ lạnh vì sợ rằng, nếu không mua hôm nay thì ngày mai hay tuần sau mình sẽ đói. Cũng giống như tôi, rất nhiều người từng sống qua thời bao cấp đều có nỗi ám ảnh đó. Một lần vào Sài Gòn thăm họ hàng, tôi thấy anh rể tôi ca cẩm rằng chị họ tôi bị mắc một cái tật không thể nào sửa được, đó là làm rất nhiều đồ ăn dù biết cả nhà không bao giờ ăn hết. Thì ra, hậu quả tâm lý của thời bao cấp vẫn còn kéo dài đến mấy chục năm sau.
Anh ao ước cánh chim trời lang bạt
Có một nơi trú lạnh giữa trời đông
Cánh đã mỏi qua mấy mùa bão động
Nhiều vết thương đã cắm chặt vào lòng…
Cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ thì lại có nỗi ám ảnh khác. Rất nhiều người đến giờ vẫn còn sợ biển. Biển trong giấc mơ của họ thật hung dữ, biển nhấn chìm những con tàu yếu ớt và mỏng manh, cuốn đi mạng sống của bao người chưa một lần nhìn thấy bến bờ tự do. Hình ảnh của biển cho dù lúc hiền hoà nhất thì vẫn mênh mông và vô tận. Cái cảm giác lênh đênh trên sóng nước, bị đói khát và vô vọng trong nhiều ngày trôi dạt vẫn còn xuất hiện trong giấc mơ của những người Việt ở đây sau nhiều năm.
Trong một lần đi chợ trời, tôi tình cờ nghe được câu chuyện của hai cô gái trẻ bán sách. Hình như họ sang Mỹ để học đại học. Một cô kể hôm qua vừa đi chùa, rút được một quẻ bói (xin xăm) xấu nhất , đó là “không tiền bạc, không người yêu”. Cô bạn cười bảo: “Đó chưa phải là xấu nhất đâu nha, điều xấu nhất là bị trục xuất về Việt Nam cơ”. Thế là, hai chữ Việt Nam thân thương giờ đây đã trở thành ác mộng đối với những người ra đi. Không giống như những thế hệ trước, các bạn trẻ ra đi ngày nay không phải vì “cơm, áo, gạo, tiền”, không phải vì bất đồng chính trị, vậy mà nỗi sợ phải quay về Việt Nam vẫn là sự ám ảnh nặng nề đối với họ đến thế sao?
Đêm nay, và chắc hẳn nhiều đêm nữa, tôi sẽ lại có những giấc mơ. Không thể mãi là ký ức đau thương của tuổi thơ hay nỗi sợ đến từ quá khứ, mà là giấc mơ của ngày trở về:
…Ôi quê hương, bao giờ tôi trở lại
Đi giữa ngày không sợ bóng đêm đen
Trong giấc ngủ không xích xiềng réo gọi
Câu thơ tình chỉ viết để yêu em.*
Nước Mỹ, ngày… tháng… năm….
* Thơ Trần Trung Đạo
No comments:
Post a Comment