Vẫn tiếp tục cho bài vào blog

Vẫn tiếp tục cho bài vào blog

Tuesday, July 19, 2011

Như Chim Nhớ Rừng, Như Cây Nhớ Cội



Default Truyện Ngắn - Nguyên Nhung

Như Chim Nhớ Rừng, Như Cây Nhớ Cội

Chị Đào gốc người Trà Vinh, một tỉnh nhỏ êm đềm và cổ kính, ảnh hưởng nền văn hóa Khờ Me nên có rất nhiều ngôi chùa Miên mái cong vút, và những vị sư áo vàng trẻ tuổi
. Nhà chị có vườn tược, ở bên kia cầu Long Bình, đường đi ra Đầu Bờ có những thửa ruộng mênh mông, bát ngát xải những cánh cò bay.
Chị là vợ một người lính, theo anh rời Trà Vinh về quê chồng ở Vũng Liêm, nơi có món nem chua nổi tiếng
. Sau khi chồng tử trận, chị tìm được một việc làm cho cơ quan dân sự Mỹ .Tuy chỉ là chân lau chùi, dọn dẹp văn phòng nhưng đến cuối tháng Tư năm 75, chị cũng hối hả chạy theo đám nhân viên sở Mỹ vào được sân bay Tân Sơn Nhứt, nhét lên chiếc C 130 như cá hộp, đi một lèo qua đảo Guam.
Lúc chiếc phi cơ như con cá mập bay vút lên trời , để lại quê hương một vùng lửa đạn, chị Đào ngó quanh không thấy ai cười, chỉ là những đôi mắt hoe đỏ và những tiếng khóc rấm rứt vì không biết chừng nào mới quay về quê cha đất tổ.
Sau nhiều thủ tục giấy tờ, mẹ con chị gồm bà mẹ ba mươi mấy tuổi với ba đứa con dại, được dời đảo vào đất liền, sống thêm một thời gian nữa trong một trại tỵ nạn ở vùng California, dưới những lều bạt mà mỗi đêm nghe tiếng gió thổi phần phật bên ngoài, chị Đào lại bật lên khóc rưng rức.
Mấy đứa con còn bé dại, đứa con gái lớn năm ấy mới chín tuổi, còn hai đứa bé, một gái một trai, đứa lên bảy và đứa lên sáu.
Chúng nó còn nhỏ dại, ăn chưa no lo chưa tới, nên không làm sao nghĩ nổi được nỗi buồn của mẹ chúng.
Ngày ngày mẹ con xếp hàng rồng rắn đi lấy thức ăn, ngó quê người lại nhớ tới quê mình xa lăng lắc ở bên kia, cha mẹ anh em ở đó không biết ra sao sau cuộc đổi đời,
Chị Đào không làm sao nuốt nổi chén cơm nấu nhão như cháo, ăn với thịt hộp của Mỹ.
Chồng chị đi lính đã chết trận bốn năm rồi, từ lúc thằng con út mới hai tuổi. Số tiền tử tuất của chồng để lại quá ít ỏi, chỉ xoay quanh cái đám ma đã thấy hết phân nửa.
Bởi vậy chị đành gửi con cho mẹ chồng lo, rồi tìm việc làm nuôi lũ con thơ
Hồi chồng chị còn sống, chị Đào cũng mấy khi được gần gũi anh , vì đơn vị hành quân liên miên, toàn những nơi đèo heo hút gió.
Thỉnh thoảng anh về phép, vợ chồng đầm ấm, vui vẻ được mấy ngày, anh lại ra đi để chị cứ thắc thỏm trông chờ lần về phép tới.
Kỳ phép cuối cùng anh về thăm vợ con, ai biết được rằng lại là lần cuối cùng vợ chồng, cha con được gần gũi nhau.
Người ta nói rằng kẻ sắp chết thường hay có nhiều điềm gở.
Mãi tới khi anh ấy chết đi chị Đào mới nhớ rõ nét mặt buồn đăm đắm của anh khi ôm đứa con út vào lòng, hai con mắt anh lờ đờ như say thuốc, nhìn vào một nơi nào đó mà sau này chị cho là anh đã linh cảm thấy bóng dáng tử thần.
Nếu đôi mắt là cửa sổ của linh hồn, thì đôi mắt anh ngày hôm ấy đúng là biểu hiện cho sự buồn thảm và ly biệt.
Mấy ngày phép anh đưa vợ con đi chơi đây đó, thăm họ hàng, bè bạn, dẫn con đi ăn uống thỏa thuê, làm như anh chỉ còn có chút thời gian ngắn ngủi đó thôi để bước hẳn qua thế giới bên kia.
Bởi vậy khi mẹ con đã an ổn trên xứ người, lòng chị vẫn lấn quấn mãi ngôi mộ của chồng còn nằm trong nghĩa trang Quân Đội.
Mẹ con chị Đào ở trong trại tỵ nạn ít lâu thì được một người Mỹ già tốt bụng, trong Hội từ thiện của nhà thờ, đón về một thị trấn nhỏ thuộc tiểu bang New Hampshire, vùng Đông Bắc Hoa Kỳ
Ở đây, lần đầu tiên mẹ con chị được thấy những rừng thông bạt ngàn , núi non trùng trùng điệp điệp, chiếc quạt gió trên nóc những mái nhà kho chứa cỏ khô cho gia súc, vào mùa Đông tuyết phủ trắng những con đường quanh co dọc theo thung lũng đầy gió hú.
Thị trấn nhỏ, đồi núi mênh mông, nhà cửa thưa thớt, nối tiếp nhau chỉ là những cánh rừng và đồi cỏ chập chùng, nóc chuông nhà thờ với cây thánh giá cao lêu nghêu trên vòm trời đầy mây trắng.
Chị Đào suốt ngày ủ ê ngó cảnh mùa Đông quê người, tìm mỏi mắt không thấy một bóng người đi qua đi lại.
Mấy đứa nhỏ chưa hiểu bao nhiêu, riêng chị khóc hoài khóc hủy, đôi mắt lúc nào cũng mòng mọng những giọt nước mắt chỉ chực rơi xuống khi có ai hỏi han tới.
Sao lúc ấy chị nhớ nhà quá đỗi.
Ăn những miếng bánh mì khô khan với thịt nguội, chị bắt nhớ tộ cá kho tiêu ở quê nhà, nhớ mùi khô nướng, nhớ tộ canh chua, nhớ mắm kho cà tím với đầy một rổ rau tươi , những món tầm thường ấy sao bây giờ nó quý hơn cao lương mỹ vị.
Quê hương giờ đây đối với chị đã ngàn trùng xa cách, chị nghĩ mãi vẫn không hình dung ra được con đường nào để trở về, bởi vì ngồi trên máy bay chị chỉ nhìn thấy toàn mây trắng và mây trắng. . . .
Mấy đứa nhỏ được tới trường để đi học, buổi sáng đã có xe "school-bus" đến đón tận nhà.
Chỉ ít lâu sau cả ba đứa bắt đầu xí xô xí xào nói tiếng Anh với nhau, chúng nó gọi chị bằng " Mom" thay cho tiếng " Má ơi!" quen thuộc . Thời gian qua mau, con chị gần như không xử dụng tiếng Việt nữa, cả cái thị trấn đìu hiu này chắc chỉ có mình gia đình chị là người Việt.

Rồi từ đấy chị ít có thì giờ gần gũi con, mỗi lần nói với con những câu nói thân quen ở quê nhà, chúng thường giương mắt ra nhìn mẹ. Không có người đồng hương ở đây, tiếng Việt bỗng nhiên hiếm hoi từ đấy, chị Đào thường ao ước có lúc nào gặp được một người Việt Nam, nói cho thỏa hết những tâm sự đầy ắp trong lòng chị.

Gặp một người có khuôn mặt Á Đông, chị mừng hết lớn, nhưng khi bập bẹ được vài câu tiếng Anh để hỏi nhau, người kia lắc đầu quầy quậy, chị lại thất vọng đến não nề khi không có ai nói lại cho chị nghe thứ tiếng nói quê mùa , giản dị của quê hương.
Chị Đào phải tập làm quen với đời sống của nước Mỹ. Chị tới cơ quan từ thiện, vừa học nghề vừa học chữ, buổi chiều chị đến phụ dọn dẹp cho một cửa hàng tạp hóa nằm ven con đường xe cộ xuyên bang đi lại tối ngày, chị chỉ mong gặp một người Việt, để hỏi thăm về quê hương xứ sở.
Có lần chị gặp một người đàn ông Việt Nam lái xe đi qua chốn khỉ ho cò gáy này, dừng lại mua mấy thứ lặt vặt, chị mừng quá gần như muốn khóc, nhưng người đàn ông không ân cần lắm với chị.
Hình như ông ta không tha thiết lắm với một người phụ nữ Việt Nam, mà nét quê mùa hình như vẫn còn đọng lại trong dáng vẻ cũng như tiếng nói.
Nào ai biết được cái mơ ước giản dị trong lòng chị, chỉ là được gặp gỡ hàn huyên với một người cùng xứ sở, được nói lại ngôn ngữ mẹ đẻ dù chỉ bằng một câu rất giản dị như " Trời đất quỷ thần thiên địa ơi!"

Sau mười năm ở bên Mỹ, chị Đào đã tương đối hòa nhập được với phong tục và cách sống của người Hoa Kỳ.
Chị đã biết lái xe để đưa con đi học, đi nhà thờ và thỉnh thoảng đi thăm mấy vùng lân cận.
Mùa Lễ Tạ Ơn hay Giáng Sinh, chị và các con đến nhà những người Mỹ trong vùng để dự lễ Tạ Ơn và ăn gà Tây với họ.
Ăn gì thì ăn, uống gì thì uống, chị Đào vẫn thấy không có món " soup" nào ngon bằng món hủ tíu Trà Vinh, bánh nào ngon bằng thứ bánh tét thơm lá dứa của miền quê chị.
Mỗi lần bước qua đầu Xuân, nhớ không khí Tết ở quê nhà, trong chị lại dằn vặt một nỗi nhớ mung lung.
Khi chỉ còn một mình ngồi trong nhà, ngó ra rặng thông xanh ngắt chập chùng lượn theo những đồi núi nối tiếp nhau, chị vẫn thường hay thổn thức khóc một mình.







Mẹ con chị quanh quẩn trong khu thị trấn nhỏ bé, chỉ loanh quanh mấy tiệm tạp hóa, cây xăng, khu chợ nhỏ và đi tới nhà thờ mỗi ngày chủ nhật là hết đất.
Qua sinh hoạt ở nhà thờ, chị được giới thiệu với một người Mỹ góa vợ đã trọng tuổi.
Đời sống ông này cũng ảm đạm như mùa Đông miền Bắc, loanh quanh luẩn quẩn với cuốn Kinh Thánh và mấy Hội Từ Thiện
Sáng chủ nhật cả nhà ăn mặc đẹp đẽ đi nhà thờ, sau đó kéo nhau tới một tiệm ăn của người Trung Hoa ở một thành phố kế bên, nhưng những món ăn của họ vẫn không mang lại cho chị mùi vị của những món ăn của quê hương.
Có lần, mẹ con chị được ông chồng Mỹ đưa qua Canada thăm xứ sở của rừng phong vào một mùa thu.
Phong cảnh thật đẹp với những rừng phong đầy lá vàng lá đỏ, thành phố cổ kính có ngôi nhà thờ bằng đá xám, còn vùng thôn quê của họ thì bằng phẳng như miền đồng bằng Cửu Long quê chị, nhưng chỉ nhiều hồ mà không thấy được giòng sông uốn khúc quanh những vườn cây ăn trái.
Mãi tới hôm ông chồng Mỹ đưa mẹ con chị xuống khu China-Town ở Boston, chị mới có dịp tìm lại được những thực phẩm Việt Nam mà lâu rồi chị không thấy.
Chuyến về chị mua đủ thứ, gần hết số tiền lương trong tháng của chị
. Nước mắm, nước tương, bún tàu, tôm khô, bánh tráng, hủ tíu .
. . Còn một món chị không quên, đó là mấy bao gạo thơm Thái Lan, hàng thùng bún khô, măng khô để chị ăn dần trong nhiều tháng.
Lão chồng Mỹ thấy chị ướp mấy khúc cá tươi với chút nước mắm nước màu, rồi kho riu riu trên bếp ngoài garage, ngó chị hít hà với vẻ mặt sung sướng, ông ta đã phải lái xe bỏ đi chơi loanh quanh một lát vì không chịu nổi cái mùi quái dị ấy.
Chị nấu một nồi cơm gạo tám, ăn với rau luộc và cá kho khô suốt một tuần lễ mà chưa đã thèm.
Chỉ hiềm một nỗi cả nhà không có ai ăn với chị những bữa cơm đầy hương vị quê hương ấy, chị vẫn thấy đời như thiếu vắng điều gì.
Hóa ra chị thèm tiếng cười tiếng nói mang không khí quê mình, trong căn nhà trống trải lao xao tiếng lá mận reo trước khoảng sân nắng.
Sự thiếu vắng ấy khiến chị vẫn hay bần thần ngó trời hiu quạnh ngoài khu thung lũng mỗi khi chiều xuống, rồi lầm bầm nói một mình những câu tiếng Việt mà lâu rồi không ai nói với chị.

Mùa Đông năm đó trời rét và tuyết đóng dầy hơn mọi năm, cả thị trấn nhỏ bé này như đóng băng giữa vùng tuyết trắng
. Chị Đào một hôm đi làm về, bánh xe bị trơn trợt tông vào một gốc cây ven đường.
Tuy may mắn không nguy hiểm tới tính mạng, nhưng ảnh hưởng cột sống và gãy xương chân nên từ đấy chị đi đứng không còn ngay ngắn như xưa.
Chị được chính phủ cấp dưỡng tiền tàn tật, cuộc sống vì thế càng hiu quạnh hơn, bên cạnh ông chồng già suốt ngày dạy chị học Kinh thánh , thú vui của những ngày còn lại.
Chị cố dạy cho ông chồng Mỹ vài câu tiếng Việt ngăn ngắn, nhưng khi ông nói, giọng lơ lớ khiến chị bật cười, vả lại xung quanh toàn người Mỹ, ông đâu có hứng để mà học tiếng Việt của vợ.
Mấy đứa con lớn dần lên, đứa lớn còn lõm bõm hiểu những câu tiếng Việt mẹ nói, nhưng hầu như nó không thể trao đổi được với mẹ lối tâm tình của người đàn bà Việt Nam quê mùa.
Chị cứ cô đơn với thế giới của mình, dù bên cạnh đã có lão Mỹ già hủ hỉ, và đàn con ba đứa nay đã lớn khôn.
Đứa con gái năm ấy đã học xong Trung học, nó thường hay theo bạn bè đi chơi những thành phố khác, tình cờ gặp được thằng bạn trai người Á châu, bèn dẫn về giới thiệu với gia đình.
Mới ngó thấy thằng nhỏ chị mừng hết lớn, vì khuôn mặt Ắ Đông khiến chị nghĩ ngay nó là người Việt.
Chừng hỏi tới thì mới biết thằng này là con của một chủ nhà hàng gốc Tàu Hồng Kông, ngang hông Chợ Lớn, nó cũng chỉ bập bẹ vài câu tiếng Việt rồi lại xổ tiếng Anh như gió.
Dù gì thằng Tàu này cũng có nét giống Việt Nam, chị không kỳ thị nhưng nếu hai đứa thương nhau thiệt tình, chị cũng mừng.
Hai đứa quen nhau được hai năm, lúc tính chuyện hôn nhân, chị mừng húm.
Đám cưới xong, hai đứa túi bụi trông coi cái nhà hàng Tàu của ông bố, kịp đến khi con bé có thai, chị nghĩ ngay tới chuyện ở nhà trông nom, săn sóc đứa nhỏ theo kế hoạch của chị.
Sự tính toán của chị thật là tội nghiệp. Nó chỉ đơn giản là được gần gũi một đứa trẻ con, sẽ dạy cháu nói lại thứ ngôn ngữ của quê nhà mà bao lâu nay chị thèm thuồng được nghe, được đối đáp, thứ ngôn ngữ ấy như tiếng chim sơn ca hót réo rắt trong lòng chị.

Mai đây khi đứa cháu chào đời, chị sẽ chăm sóc cháu mình bằng tâm tình một bà ngoại Việt Nam, sẽ cho cháu ăn, sẽ dạy cháu nói. Chỉ nghĩ tới lúc đứa cháu biết thỏ thẻ những tiếng gọi Bà, gọi Mẹ đầu tiên, chị đã rưng rưng nước mắt.
Nào ai hiểu nổi nỗi vui trong lòng người đàn bà Việt Nam quê mùa đó. Con cái chị ngày một xa dần với bản sắc dân tộc, chúng nó giờ đây là người Việt hoàn toàn mang tâm hồn Mỹ, chỉ có chị nghĩ con mình là người Việt, còn chính con chị cũng nghĩ nó là người Mỹ.
Bởi thế chị Đào quyết tâm tìm cơ hội được săn sóc đứa cháu ngoại, tạo cho mình một niềm vui ấm áp khi mai này nó lớn lên, mỗi tiếng khóc tiếng cười của cháu, tiếng nói đầu tiên sẽ chỉ là tiếng Việt.
Đúng như những điều chị mong mỏi. Vì bận rộn chuyện làm ăn, đứa cháu ngoại vừa ra đời đã được cha mẹ nó gửi gấm cho bà ngoại trông nom, săn sóc.
Đó là một con bé đầy nét Á Đông, đôi mắt đen như hai hột nhãn và cái miệng nhỏ xinh xinh. Chị thương cháu lắm, thương từ tiếng khóc tiếng cười của cháu.
Từ đó mỗi lần cháu khóc, chị Đào lại có dịp ru cháu bằng những bài ru con dân ca Nam Bộ, trong lòng chị lại hiện ra dòng sông ở quê nhà năm xưa, nhịp cầu tre lắc lẻo đưa chị trở về những con đường quen có hàng dừa lơi lả, mảnh sân đất đầy bóng nắng dưới cây mận đỏ. Mùa thu tới, chị ru cháu bài
" Gió mùa thu mẹ ru con ngủ, năm canh chầy thức đủ cả năm", nước mắt chị cứ tuôn lả chả khi nghĩ tới những ngày còn trẻ, một mình ở nhà với mấy đứa con thơ khi anh chồng là lính chiến có mấy khi được ở nhà với vợ con.
Suốt một thời thanh xuân chị chỉ những ngóng chờ và mong đợi, thỉnh thoảng chồng chị có mấy ngày phép được về thành phố thăm vợ con, đó là những ngày hạnh phúc ngắn ngủi của vợ chồng chị.

Sau đó , chị còn lại một mình với gánh nặng chăm sóc mấy đứa con thơ, cộng thêm nỗi lo lắng cho người chồng ngoài mặt trận.
Ngắn ngủi chỉ có sáu , bảy năm làm vợ lính mà những giây phút hạnh phúc thật hiếm hoi, nhưng so sánh với ông Mỹ già trong hiện tại, chị thấy hai thứ hạnh phúc nó khác nhau một trời một vực.
Phải chăng đó là sự khác biệt giữa văn hóa Đông Tây muôn đời vẫn không thể là hai dòng sông, hòa vào nhau để cùng chảy ra biển.
Mấy vụ đó chị Đào bù trất, chỉ nghe mấy ông mấy bà nhiều chữ nghĩa nói với nhau như vậy, để bảo tồn cái gì đó mà họ gọi là Văn Hóa Dân Tộc. Riêng chị Đào, người đàn bà quê mùa Việt Nam lạc loài nơi xứ lạ quê người, chỉ cảm thấy tâm hồn lúc nào cũng hụt hẫng và nhớ nhung những tình cảm thân thiết của một thời xa lắc.






Đứa cháu ngoại ra đời đã đem lại niềm ấm áp cho trái tim bà ngoại nó, đó là những ngày cháu bập bẹ những tiếng nói đầu đời thật dễ thương.
Trái tim chị Đào như muốn nhảy tưng ra khỏi lồng ngực khi con bé thốt ra những tiếng " bà" tiếng " mẹ" lúc nó khóc, hay khi mẹ nó đi làm về, con bé đã bất ngờ reo lên những tiếng " mẹ, mẹ" thật dễ thương.
Điều đó khiến con gái chị tuy đã lâu không nói tiếng Việt, cũng sung sướng nghe lại những tiếng nói của quê hương từ chính miệng đứa con bé bỏng của nó, hoàn toàn không ngờ được.
Khi con bé được ba tuổi, hai bà cháu đã có thể trao đổi những câu tiếng Việt ngăn ngắn
, Cháu chị đã hiểu được chút chút những câu chuyện cổ tích bằng tiếng Việt, và nó đã thỏ thẻ kể lại cho mẹ nó nghe bằng cái giọng đả đớt rất ngây thơ của một đứa bé ba, bốn tuổi
.

Từ đây, đứa con gái Việt Nam vừa làm mẹ bỗng hiểu ra nỗi cô đơn trong lòng mẹ nó, nỗi thèm thuồng được nói lại thứ ngôn ngữ thân thương của quê nhà, cũng là niềm hạnh phúc nhỏ nhoi mà mẹ nó cần thiết còn hơn cơm ăn, áo mặc.
Trong căn nhà cũ kỹ ở một thị trấn nhỏ vùng Đông bắc Hoa Kỳ, muà hè ngắn hơn mùa Đông vì khí hậu lúc nào cũng lạnh lẽo,
Giờ đây đã vang lên thứ tiếng nói réo rắt đầy âm thanh trầm bổng quê nghèo miền Nam, của một người đàn bà Việt Nam quê mùa với đứa cháu ngoại bé bỏng của mình ra đời tại nước Mỹ.

Chị Đào đâu phải một người được ăn học để hiểu được sự bảo tồn văn hóa quê nhà, thế mà chỉ bằng tấm lòng tha thiết của một người Việt Nam với ngôn ngữ quê hương, chị đã làm được một việc phi thường, hơn bất cứ một nhà ngôn ngữ Việt Nam nào nổi tiếng trên đất Mỹ

.Sau khi ông Mỹ già qua đời vì bịnh ung thư, chị Đào cũng làm ma chay và chôn cất ông thật chu đáo theo tâm tình của người vợ Việt Nam.
Dù chỉ gắn bó với nhau do hoàn cảnh đưa đẩy, chị Đào vẫn quan niệm rằng " một ngày là tình, hai ngày là nghĩa" như chị đã được cha mẹ ông bà dạy dỗ hồi còn trẻ.
Điều đó khiến những người Mỹ trong vùng cảm động, họ không dám coi thường người đàn bà Việt Nam nhỏ bé và quê mùa này, bởi lối hành xử của chị đã nói lên tư cách một con người có tấm lòng chân thật, ăn ở có trước có sau.

Nếu đem chị Đào so sánh với những người đàn bà Việt Nam tài giỏi, học cao hiểu rộng khác, chưa chắc những tấm bằng của họ đã có giá trị bằng tâm hồn người phụ nữ Việt Nam bình dị này.

Chị Đào không hiểu nhiều về những thứ lắt léo của cuộc đời và sách vở, nhưng suốt đời chị chỉ đơn sơ sống theo cái đạo làm người, nhờ thế mà qua những sóng gió cuộc đời, chị lúc nào cũng " thân tâm an lạc".
Hai đứa con nhỏ lớn lên, học giỏi, đươc học bổng của trường Đại Học tại Boston, chúng nó đã rời mẹ từ lâu.
Vợ chồng đứa con gái lớn cũng chán nơi khỉ ho cò gáy này, bàn với chị bán nhà đưa nhau về tiểu bang Massachusetts, nơi có nhiều người Tàu của nước nó và người Việt của nước chị.
Thế là cả nhà dời New Hampshire, thị trấn nhỏ với những đồi núi cỏ mượt và thông reo, về mùa Đông tuyết phủ trắng xóa trên các đồi thông và những mái nhà mốc thếch màu xám nhạt.

Hôm gia đình chị Đào dời đi, những gia đình người Mỹ quen biết ở nhà thờ đều tới ăn bữa cơm Việt Nam thật ngon, và vài món ăn Tàu do thằng rể chị nấu nướng
ậy mà thôi, hễ đem tình cảm chân thành mà đối đãi với nhau thì cũng sẽ được đền đáp lại như vậy.

Chị Đào vẫn theo lối Việt Nam, gửi gấm ngôi mộ ông chồng Mỹ già cho bạn bè của ông chăm sóc, khiến họ lại càng cảm động.
Đời chị tuy không may mắn về đường hôn nhân, nhưng chị Đào quả là một con người rất đáng khâm phục, vì mộ của ba mấy nhỏ chôn trong nghĩa trang Quân Đội ở quê nhà, chị cũng đã gửi tiền về để người nhà lo bốc mộ đem về quê, xây mồ mả tử tế đẹp đẽ.
Bây giờ đứa cháu ngoại đầu đã lớn bộn, nó đang học trường Middle-School, mẹ nó đẻ thêm hai đứa em nữa.
Chị Đào nay đã lớn tuổi, vẫn ở nhà trông cháu, vẫn tiếp tục kế hoạch của một bà ngoại Việt Nam, dạy cho mấy đứa nhỏ ăn cơm Việt, nói tiếng Việt.
Mỗi buổi chiều con lớn đi học về, nó vẫn không quên chào bà ngoại bằng những câu tiếng Việt quen thuộc, vẫn đòi ăn hủ tíu do bà ngoại nấu, vẫn ăn mì xào Quảng Đông với nước tương theo lối của ba nó.
Mấy chị em chơi với nhau, nói với nhau bằng tiếng Anh pha tiếng Việt, thậm chí khi cãi nhau ồn ào vẫn bị bà ngoại nó rầy rà bằng tiếng Việt, y như mấy đứa nhỏ ở Việt Nam.
Thằng rể quan niệm thực tế theo lối của người Trung Hoa, thích thương mại, đối với nó lũ nhỏ biết được nhiều thứ tiếng càng tốt.

Tiếng Anh, tiếng Việt, tiếng Hoa, tiếng gì cũng là tiếng, tiếng nào cũng chỉ làm cho con người gần gũi nhau mà thôi, và nhất là để cơ sở làm ăn của nó ngày càng phát đạt.

Nguyên Nhung.







Default Trời Vẫn Còn Xanh -Nguyên Nhung

Chuyện là chuyện xưa mà vẫn như mới, dù tất cả đã nằm yên trong dĩ
vãng, khi ngồi viết lại câu chuyện cũ, nước mắt tôi cứ chảy ròng ròng.
Thời gian lặng lẽ trôi qua, mấy chục năm rồi mà tưởng như mới hôm quakhi tình cờ nhận được khuôn mặt anh bạn cũ, trong những tấm hình xưa của một người nào đó còn giữ được, in trên Ðặc San Trường cũ. Thế làtrong phút chốc, những bóng hình bạn bè năm xưa bỗng lần lượt trở về.
Trong óc tôi lại quay về những mùa hè năm cũ thời đi học, con đường
ven sông nghiêng nghiêng những cây hoa phượng đỏ, in bóng xuống dòngsông một mùa hè rực rỡ.
Năm tháng đã theo nhau bước vội, vẫn để lại trong lòng những kỷ niệm dễ thương một thời mắt biếc và môi tươi, tà áo trắng, chiếc nón lá che nghiêng trên mái tóc.
Nếu có lần trở về con đường xưa, đúng vào mùa hè hoa phượng trổ, mới cảm hết được cái buồn ngất ngây xen lẫn nỗi ngậm ngùi.
Cơn mưa vào buổi chiều cuốn theo những chiếc lá phượng bé li ti rơi xuống mặt đường ướt sũng.
Phượng và mưa, muôn đời vẫn là những nỗi buồn ray rứt khi nhớ lại. Năm ba mươi tuổi tôi vẫn mang nỗi buồn ray rứt ấy, khi một lần trú mưa bên hàng hiên căn phố cũ, trước mặt tôi là hàng phượng rưng rưng màu đỏ thắm rũ rượi, ướt sũng trong màn mưa trắng xoá. Năm nào phượng cũng trở về như năm nào mùa mưa cũng tới, vẫn một màu đỏ thắm của mùa hè xưa riêng cuộc đời thì đã quá nhiều thay đổi. . .
"Em đến rồi đây em lại đi,
Như những hạt mưa đầu mùa năm ấy
Mỗi một mùa hè em trở về lộng lẫy
Lòng ta buồn theo những lá phượng bay.

Bao nhiêu năm rồi mà vẫn chưa khuây
Sao vẫn nhớ những nẻo đường tuổi mộng
Sao vẫn nhớ những chiều xưa gió lộng
Phượng rơi buồn trên áo trắng thơ ngây.

Ôi nhớ quá cỏ non sân trường vắng
Ta thả hồn theo những sợi mưa bay
Ta thấy em cười trên những tà áo trắng
Em gọi mùa hè về rực rỡ trên cây.

Năm nay em về cũng như mọi năm
Với những hạt mưa đầu mùa năm cũ
Sao ta thấy lòng bỗng rưng héo rũ
Em còn tươi mà ta đã già nua
Ðời mỏi mòn trôi theo những đêm mưa
Những chiếc lá cuốn theo dòng nước lũ
Ði về đâu những hồn muôn năm cũ
Khi sang hè phượng thắm có còn không?

Ðến bạc đầu đôi lúc vẫn bâng khuâng
Ôi những mảnh trời xanh ngày tháng cũ..."

Cuốn "Lưu Bút Ngày Xanh" được mở hàng cụt ngủn chưa đầy một trang
giấy, không có hình kèm theo (đâu dễ tặng hình cho người dưng... kháchọ), đã cụt ngủn mà lại chẳng chút văn chương cho thơ mộng như đươngsự yêu cầu:
"Hè gì mà nắng như đổ lửa, chẳng thấy thơ mộng chút nào hết. Hàng
phượng vĩ ven sông chưa trổ bông, lũ ve sầu chưa chịu hát bài ly biệt. Mai mốt đi đâu thì đi, lâu lâu nhớ về thăm xóm cũ.
Không có tấm hình
nào hết trơn hết trọi, thôi tui vẽ mấy bông hoa phượng để mang theo
cho đỡ . . . buồn."
Vài hôm sau, khi cuốn Lưu Bút được trả lại cho khổ chủ, cũng cái mặt
ấy nhăn nhăn nhó nhó đưa lại cho người viết năn nỉ:
"Viết lại giùm đi, viết gì ... kỳ cục quá. Làm ơn viết dễ thương chút đi mà..."
"Hông lẽ lại chỉ là những điều... dễ ghét?"
"Không phải vậy, đối với tui tất cả những gì của bạn đều dễ thương
hết. Nhưng. . . tui sắp đi xa rồi, cho xin chút kỷ niệm mang theo, mai sau chừng nào mình lớn sẽ hiểu ra điều đó."
Ngó cái mặt cũng tội, cái "xấu" cũng bớt đi mà cái " khó ưa" giờ đây
cũng "dễ ưa" hơn một chút, nghe thật tội nghiệp.
Tối đó, tôi ngồi gò
gẫm viết lại trang mở đầu cuốn Lưu Bút Ngày Xanh cho anh bạn, cố nặnóc tưởng tượng ra những kỷ niệm giữa hai đứa để phù hợp với nỗi buồnly biệt.
Tôi viết về con đường hằng ngày đi chung tới trường, con
đường ven sông vào mùa hè hoa phượng nở rưng rưng (dù lúc ấy hoa chưa nở), con ngõ nhỏ có hàng dừa lả lơi soi bóng nước. Và một mảng trời xanh, phải rồi, bầu trời xanh thấp thoáng sau tàn cây râm mát, in
những bóng mây xuống dòng sông trôi lờ lững.
Hay một tối mùa hè cơnmưa đêm chợt đến, từ trong nhà nhìn những giọt mưa rớt trên mặt sôngsao nghe mang mang một nỗi buồn.
Những buổi tối nhìn ánh hoả châu bừng sáng vòm trời đêm, tuổi trẻ lại cảm nhận thêm nỗi buồn chiến tranh, khi nửa đêm thức giấc, nghe tiếng đại bác vọng về thành phố, những chiếc xe nhà binh chở quân ra mặt trận.
Bây giờ, lại thêm những người bạn trẻ chung trường sắp lên đường nhập ngũ. . .
Những hàng chữ tôi viết "mùi mẫn" tối hôm đó, khiến bạn cảm động thật
nhiều, dù đó chỉ là căn bịnh "văn chương thời loạn".
Bạn nhận lại cuốn Lưu Bút trên tay tôi, mỉm cười cám ơn, vẻ xúc động hiện rõ trên nét mặt.
Cuốn Lưu Bút Ngày Xanh có lẽ là kỷ niệm cuối cùng trong đời học sinh của bạn, chỉ mãi đến sau này, khi tất cả chỉ còn lại một mảng trời xanh, tôi mới ân hận là không tặng cho người bạn chân tình ấy tấm ảnh chân dung "xấu xí" của mình.

Ðược ít lâu bạn nhập ngũ, con đường đi học đã vắng đi một người, lúc bấy giờ tôi mơ hồ nhớ câu bạn nói :

"Mai sau chừng nào mình lớn, sẽ hiểu ra điều đó."
Bạn đi rồi, chiến tranh đã đẩy bạn ra khỏi mái trường khi còn rất trẻ, mái đầu xanh chưa hưởng được bao nhiêu niềm vui đã vội già đi vì gió sương và gian khổ chiến trường.
Có lẽ tôi với bạn không mắc nợ nhau, vì thế chỉ một thời gian là biệt tăm người bạn cũ, và khi từ biệt mái trường, tôi không còn đi ngang nhà bạn, không trở về con ngõ nhỏ đầy bóng mát của tuổi học trò thơ ngây ngày ấy nữa.
Cứ thế đời đẩy bạn đi đâu tôi cũng chẳng biết, chỉ gặp lại có một lần, kỳ phép đầu tiên từ quân trường bạn về thăm nhà, cũng là lần đầu tiên bạn ghé vào nhà tôi.
Cái đầu trọc tếu và bộ quân phục mặc trên người, bạn kể cho nghe đủ thứ chuyện đời lính.
Bạn chững chạc hẳn ra, gặp nhau lần ấy trông bạn đã đổi khác, nhưng dường như câu chuyện vẫn dở dang chưa nói hết, bạn vẫn ngập ngừng không nói trọn điều gì.
Sau đó, bạn trở lại quân trường và khi ra trường, đổi tuốt ra miền Trung, đời bạn lênh đênh sông hồ, đời tôi cũng thêm nhiều mới lạ.
Ðời có biết bao nhiêu con đường thênh thang đang đón chờ ngoài kia, mỗi khi ra khỏi nhà, tôi phóng xe như bay ra khỏi con hẻm nhỏ, cuộc sống vội vã để tôi không còn thơ thẩn đi về những con đường thơ mộng ven bờ sông như thuở còn đi học, tôi đã quên rồi người bạn cũ. . .Thời gian cứ thế trôi đi, những người bạn đi chung một con đường tới
trường năm cũ nay cũng tản mát đi mỗi người một hướng.
Ðám bạn học
chung lớp năm xưa có một số tiếp tục lên Ðại Học, có nhiều đứa ra đời
tìm việc làm để mưu sinh, có nhiều đứa lên xe hoa. Tôi bỏ xóm cũ đi
xa, để rồi có ngày lại trở về căn nhà xưa, với một cảnh đời kém may
mắn.
Không biết trời xui đất khiến chi đây, vài năm sau chiến tranh, tình
cờ tôi lại gặp anh bạn cũ, bên hè đường với mấy thứ đồ nghề sửa xe
đạp.
Tôi đâu hơn gì bạn, tấm ny lông trải trên vỉa hè khu chợ làm kế
sinh nhai, một lũ đàn bà còn xuân sắc ngồi chùm nhum với nhau trên vỉa hè "ngóc mỏ chờ xương", hay văn hoa chút xíu thì "con cò lặn lội bờ sông, gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc
Tôi chăm chỉ làm công việc "cũ người mới ta" để người nghèo có manh quần tấm áo lành lặn, chúng tôi gặp lại nhau dở khóc dở cười bên lề đường gió bụi.
Lần gặp lại ngộ nghĩnh đến không ngờ, chiếc xe đạp bị bể bánh, tôi tấp vào lề đường để sửa xe, và chúng tôi ngỡ ngàng nhận ra nhau sau nhiều năm xa cách.
Trong chiếc áo nhà binh cũ kỹ, lem luốc dầu nhớt, anh đón chiếc xe đạp từ tay tôi, với một câu hỏi rất ngậm ngùi, như không hề có một khoảng cách nào về không gian và thời gian giữa hai đứa, kể từ ngày anh từ giã mái trường để đi lính:
"Dữ hông?
Biết bao năm rồi bây giờ mới gặp lại. Xe bị bể bánh hả?"




 


Rồi anh toét miệng cười, trong khi tôi ngỡ ngàng và mừng vì gặp lại
anh bạn cũ chung đường năm xưa.
Dù sao thì cũng ... ngộ cố tri, nhưng
gặp trong cảnh này nó ngậm ngùi làm sao. Thấy vai tôi đeo một cái túi
nặng, anh cười hỏi:
"Bán chợ Trời phải không? Hôm nào có chiếc áo nhà binh, mua giùm tôi một cái."Anh vừa xăm xoi cái lỗ mọt, tỉ mỉ bôi chút keo dán lên miếng cao su
rồi để cái ruột xe xuống cái bàn vá ép, ngọn lửa leo lét bốc khói dầu
hôi khét lẹt.
Nhìn anh làm công việc đó một cách bình thản tôi lại
thấy tủi cả phận mình lẫn phận người. Bỗng dưng tôi nhớ miên man đến
cuốn "Lưu Bút Ngày Xanh" của nhiều năm trước, nhớ mảng trời xanh hoa
mộng tuổi học trò, không biết anh còn giữ được không?
Bàn tay anh lem đầy dầu nhớt và bụi bẩn khiến tôi chạnh lòng. Ngó lại
mình cũng không hơn gì, chiếc áo bà ba bạc màu, cái nón lá tươm vành
thật thảm thương, sau bao nhiêu năm gặp lại nhau tôi không nhìn thấy
chút thơ mộng nào như mảng trời xanh mà tôi viết cho anh trong cuốn
Lưu Bút ngày xưa.
Anh vừa làm vừa nói chuyện, hỏi thăm tôi về đời sống hiện tại, bây giờ anh nói nhiều mà lại "có duyên" chứ không cộc lốc, trống không như ngày xưa.
Sửa xe xong, anh đưa lại chiếc xe đạp cho tôi, dùng miếng giẻ để lau cho sạch sẽ, tôi bắt anh nhận tiền công vá xe, anh nhất định đẩy tay tôi ra nói một câu nửa đùa nửa thật, tôi vẫn còn nhớ:
"Ðừng làm vậy tôi buồn, anh em mình chỉ có chút tình đó thôi. Ngày
xưa, tôi còn muốn vá xe suốt đời cho N. nữa."
Rồi anh mỉm cười, im lặng, như dằn xuống nỗi xúc động, mà vẫn như cóchút chịu đựng cái nghiệt ngã của một cảnh đời không lối thoát.
Từngày thôi học, sau bao năm gặp lại, hai đứa chẳng hơn gì nhau.
Tôi cóhai đứa con nhỏ ăn chưa no lo chưa tới, anh cũng vừa ra khỏi trại tậptrung cải tạo, nặng oằn một gánh cha mẹ, vợ con.
Biết không ép đượcanh lấy tiền công sửa xe, tôi chạy lại xe bán thuốc lá mua cho anh vài điếu "Capstan" loại dzởm.
Anh cười, lặng lẽ quệt bàn tay bẩn vào chiếc quần, cầm mấy điếu thuốc tôi đưa rồi châm lửa hút .
Trong cảnh ngộ này, hai đứa chỉ biết nhìn nhau cười thông cảm, dường như tôi lại nhìn thấy một mảng trời xanh thuở học trò trở về trong đôi mắt anh. .
Lâu lâu, chiếc xe bị trục trặc, tôi vẫn phải ghé vào nhờ anh xem hộ,oặc hôm nào mua được chiếc áo nhà binh cũ, ghé vào đưa cho anh để
chịu được mưa nắng vỉa hè.
Có lần ế khách, tôi bắt gặp anh ngồi dựalưng vào mảng tường vôi loang lở, miệng nhả khói mà mắt lại nhìn đăm
đăm lên mảng trời xanh, lúc ấy tôi biết anh bạn cũ đang mơ mộng. Thôicũng mừng cho anh, trong hoàn cảnh đó mà anh vẫn giữ được cho mình một khoảng trời xanh để nhớ, đó cũng là cục đường tan trong miệng đắng giữa cơn ốm dỡ. . .
Lâu lâu gặp nhau nói dăm câu chuyện cũ, hỏi thăm nhau về những bạn bèxưa chung đường chung lớp, chẳng biết ai còn ai mất, ai đã đi được qua bên kia, ai còn thân tù tội nơi rừng sâu núi thẳm.
Mỗi lần như vậy tôi lại nhìn được nỗi ngậm ngùi trong đôi mắt anh, dường như giây phút đó đã gợi lại trong anh chút dư âm của những ngày còn đi học.
Bao nhiêu hoa mộng của cuộc đời bây giờ chỉ còn lại được có mảng trời xanh kia làm niềm hy vọng, chúng tôi kể cho nhau nghe nhiều nỗi đắng cay của đời sống, ước gì có đôi cánh để bay đi một phương trời xa, tìm một tương lai sáng sủa hơn cho cuộc đời đỡ khổ.
Ít khi nào chúng tôi nhắc lại chuyện cũ, vì nợ áo cơm đã làm thui chột đi những kỷ niệm êm đềm mà con người chỉ nhớ được khi lòng hoàn toàn thanh thản.
Có hôm anh tâm sự, nếu một ngày nào tôi có đi ngang đây, không thấy anh ngồi vá xe bên lề đường, thì chuyện đó cũng chỉ là chuyện bình thường như người ta thay đổi một chỗ ngồi.
Tôi biết thế nào anh cũng đi, nhiều hôm trên đường từ chợ về nhà, vô tình đi ngang qua, tôi vẫn thấy anh ngồi tựa lưng vào tường hút thuốc, mắt mơ màng nhìn lên mảng trời xanh như nuôi một niềm hy vọng.
Ngược dòng thời gian trở về quá khứ
, Bây giờ khi đã trưởng thành, tôi không hững hờ nhìn anh bằng ánh mắt vô tình năm xưa, tôi thường an ủi anh để được nghe anh an ủi lại, bằng tấm chân tình của đôi bạn cũ.
Thế rồi một thời gian sau, bẵng đi một tuần lễ, tôi đạp xe ngang đã
không thấy anh ngồi sửa xe nơi chỗ cũ.
Tôi linh cảm anh đã đi rồi, chỉ biết âm thầm cầu nguyện sự an bình cho anh trên bước đường xa vạn dặm
. Lần này anh đi tôi buồn lắm, không hờ hững như ngày xưa anh chia tay với tôi để nhập ngũ, vì tôi hiểu chuyến đi này "thập phần sinh tử", biết có còn gặp lại nhau không?
Hơn nữa, cuộc đời đã dạy cho tôi biết trân trọng những tình bạn cao quý, nhất là trong hoàn cảnh này, tôi đã trưởng thành để hiểu được những gì mất đi ta khó tìm lại được.
Từ đấy tôi không bao giờ gặp lại anh, có người nói anh đã thoát được
tới bờ bên kia, có người lại nói tàu bị bão tố nhận chìm ngoài biển
khơi. Mỗi lần đi ngang chỗ anh vẫn ngồi vá xe bên lề đường, nay đã
trống trải chỉ còn lại một mảng tường vôi loang lổ, tôi nghe lòng buồn ray rứt.
Mùa hè hoa phượng lại rưng rưng một màu đỏ thắm nơi mé sông, những cánh hoa học trò vẫn mang ít nhiều nỗi buồn ly biệt.
Thời gian ấy, đêm nào tôi cũng cầu nguyện cho anh, có khi tôi nằm mơ thấy anh trở về chốn cũ, ngồi loay hoay vá xe bên vệ đường, có khi giấc mơ thật kỳ lạ, vẫn là hình ảnh anh ngồi tựa lưng vào bức tường vôi xám, đôi mắt buồn rầu nhìn lên bầu trời xanh, nuôi một niềm hy vọng...
Thời gian thấm thoắt qua đi có đến hơn hai mươi năm, lâu lâu tôi vẫn
băn khoăn nhớ người bạn cũ.
Tình cờ đọc được trong cuốn Ðặc San củaTrường, tôi bắt gặp lại những tấm ảnh cũ, có ai đó đã giữ lại đượcnhững tấm hình với bạn cùng lớp năm xưa, tôi vui mừng nhìn ra khuônmặt anh lẫn lộn trong đám bạn bè thời Trung học.
Những cái "dễ ghét"năm xưa bây giờ sao "dễ thương" quá chừng, vì khuôn mặt nghịch ngợm ấy không lẫn lộn đi đâu được, áo trắng, quần xanh, tóc hớt ngắn, những khuôn mặt trẻ tuổi học trò trông hồn nhiên vô tư lự.
Nhưng, đời sao lại có những chữ "nhưng" trớ trêu, như định mệnh thường oái oăm tạo nên những điều cay nhiệt, mắt tôi dường như không tin được những dòng chữ ghi phía dưới tấm hình cũ, cả mấy tấm hình ấy đều ghi rõ tên anh, với một dấu ngoặc đơn (đã chết) kèm theo.
Thế là anh đã đi thật rồi, không còn lần tái ngộ nào trên cõi đời này
nữa. Dường như tôi và anh không có cái may mắn gặp nhau để chia cái
vui của đời cho nhau, mà chỉ là những biệt ly này nối tiếp những biệt
ly khác, kể từ ngày anh đưa tôi cuốn Lưu Bút Ngày Xanh, để đi vào chốn hiểm nguy với lằn tên mũi đạn.
Sau bao nhiêu năm gặp lại, vẫn chỉ là nối tiếp nỗi khổ đau của một kiếp người, anh vẫn là người bạn tốt bụng, đối xử rất chân tình với cô bạn nhỏ ngày thơ.

Lần này thì hết thật rồi, những chữ in nghiêng chú thích dưới tấm hình với hai chữ "đã chết" khiến tôi bùi ngùi mãi.
Mảng trời xanh trong đôi mắt người bạn đồng môn năm cũ đã thực sự không còn, đã đi về cõi thiên thu để chìm vào không gian vô tận.
Không biết anh đã đi về cõi bên kia bằng con đường nào?
Ðôi khi tôi nghĩ nếu được chọn lựa, có lẽ anh sẽ trở về đi lại con đường loang hoa nắng thời đi học, vì con đường đó là con đường bình yên nhất trong cuộc đời anh.
Dưới những bóng cây râm mát che suốt con đường ven sông, có thể anh vẫn nhìn thấy một mảng trời xanh đầy thơ mộng khuất sau tàn lá biếc, từng đợt sóng nhỏ lao xao vỗ vào bờ, vẫn là những âm thanh tuyệt vời như tiếng đàn vương trên lối cũ.
Mấy mươi năm rồi, bây giờ nhìn lên mảng trời xanh, tôi vẫn hay nghĩ tới người bạn đồng môn năm cũ.
Ở khoảnh trời bình yên đó, biết đâu chả có lúc gặp lại.

Nguyên Nhung
 
 





Mùa Xuân và cô Ngò Rí

Tháng Ba vào Xuân, cỏ dại tràn lan khắp vườn, đã thấy đám ngò rí chen vào mọc lên từng mảng xanh rờn
. Không biết sao lại gọi là ngò rí, chắc tại dựa theo hình dáng nhỏ bé và xinh xắn cuả cô khi e thẹn nhô mình lên khoảng đất trống gần nhà bác bông giấy màu tím hồng như màu áo cô dâu ngày cưới,
Nay mùa Đông khắc nghiệt đã qua đi, cô chờ mãi mà không thấy bác ấy trổ lá non như mọi năm.
Cùng một vài loại cỏ dại mà cô không biết tên, qua mấy cơn mưa đầu xuân đám ngò rí lớn lên thật mau, chưa gì đã phủ kín những vạt đất trống khô queo trong những ngày cuối Đông đất trời ủ giột.
Muà đông vừa qua lạnh khủng khiếp, khó diễn tả nổi cái rét thấu xương thổi qua khu vườn làm cho cỏ cây đều run lên bần bật rồi chết cóng.
Lúc ấy cô ngò rí còn nằm trong lòng đất, từ tháng Sáu năm trước cô cứ nằm yên đấy chờ đợi, mẹ cô trước khi được người ta nhổ lên theo đám rau già, biết có một ngày sẽ không thể ở lại với lũ con nên đã dặn dò:
Cuộc đời rồi cũng trôi qua như bóng mây, mẹ con mình sẽ có lúc phải chia tay.
Mẹ có phải ra đi thì cũng đến lúc phải đi, không ai qua được cái vòng của sinh lão bệnh tử.
Các con ngoan ngoãn ở lại đây chờ đến khi xuân sang, lại nẩy nở mà làm đẹp cuộc đời.

Mẹ cô không bi quan trước sự ra đi, riêng lũ con ở lại ngậm nỗi sầu chia ly trong lòng đất ẩm.
Lúc ấy cô cũng không khóc được, chỉ nhớ mãi mùi thơm cuả mẹ hiền, mỗi lần chủ nhà cần một nắm lá ngò cho bát miến, tô phở là đã có họ nhà ngò cung cấp ngay.
Một câu chuyện dí dủm cuả người chủ nhà với khách phương xa khiến lòng cô ấm lại:
Chị ơi! Ở đâu mà chị có cái giống ngò rí thơm nức mũi cuả quê mình vậy hả chị?
Bà chủ nhà sung sướng khoe: Cũng có duyên lắm mới gặp lại mùi hương cây ngò rí quê mình đấy cô ạ.
Đã lâu rồi đến chơi nhà một người bạn, bắt gặp một mảnh vườn rau quê nhà, thế có tuyệt không chứ!
Quả thật chả thiếu thức gì, từ cây rau răm cho đến ngò gai, húng quế, những thứ ấy thì ngoài chợ không thiếu, nhưng mùi hương lại không nồng nàn như các thứ rau trồng tỉa được trong vườn
. Rồi tiện tay vo vo mấy cái lá nhỏ , mới phát hiện ra một mùi hương nồng nàn gần gũi quá, thì ra mình đã vô tình ngắt mấy cái lá ngò rí đã ra hoa.
Khi về, chủ nhà tặng luôn cho một nắm hột, rồi từ nhà nọ sang nhà kia, giống ngò rí quê mình cứ lan tràn đem mùi hương đi khắp chốn.
Khách tấm tắc khen:
Sao lạ ghê chị ạ, cũng cùng một loại như vậy mà rau nhà trồng hương vị lại khác, còn ngoài chợ trông cũng mượt mà, sởn sơ, nhưng hít mãi chẳng thấy mùi vị, nhiều lúc ăn cho có chứ không cảm được mùi hương hoa cuả nó.

Sự ra đi cuả mẹ ngò thật áo não vào một chiều tháng Sáu, những cơn nắng hè đổ xuống vừa khô những hột ngò tròn xoay bé xíu như những hạt tiêu một màu ngà ảm đạm.
Cứ tưởng cuộc đời đến thế là hết, mẹ đi mang theo cả một trời trống vắng khi con không còn nơi nương tựa, nhưng có biết đâu khi được vùi dập xuống nền đất ẩm, chồng chất lên dưới lớp bụi thời gian, bao nhiêu lớp lá khô trong vườn cuốn hết vào nơi ấy, để chờ đợi nắng ấm muà xuân năm sau.
Năm nay khi mùa Xuân đến, cây ngò non chào đời nhưng vẫn nhớ mùi hương tự nhiên cuả mẹ, bóng bác bông giấy mát rười rượi, cô mai vàng xinh đẹp ngự trị góc bên kia, bác bụi tre cao ngất ngưởng vươn lên trời xanh lá reo xào xạc, và chao ơi, cái bóng cuả mẹ hiền thì ngò rí không thể nào quên được...

Ngò rí không sống lâu lên lão làng như các loại cây khác trong vườn, và cũng chỉ là loại rau tầm thường dễ sống chứ không cần chăm sóc bao nhiêu, nhưng mùi hương cuả ngò rí thì khó tìm trong các loại rau cỏ. Khi vưà mở mắt chào đời, mọc lên những lá mầm ẻo lả, hình như cô đã thấy thiêu thiếu một cái gì cuả muà xuân năm trước.

Thôi rồi, cô chợt hiểu ra rằng cái bóng mát mà mẹ con cô hằng trú ẩn bao năm dài, ấy là bác bông giấy, sao năm nay xuân về bác vẫn trơ những cành khô gai góc, không còn một chút lá xanh nào nữa vì bao nhiêu sinh lực tiềm tàng từ rễ lên đến ngọn, hình như đã khô kiệt cả rồi.
Nhớ làm sao tiếng cười lao xao của bác khi nẩy lên những nụ hoa đỏ thắm trên cành lá biếc mà ngậm ngùi khôn tả, ngò rí vẫn nhớ những chuyện mẹ kể về lòng nhân hậu cuả bác trong một buổi chiều mát mẻ, hoàng hôn đã nhuộm tím khu vườn nhỏ
.Ngày xưa mẹ Ngò vẫn núp dưới tàn cây cuả bác những hôm trời trở gió, con nắng phả hơi nóng gay gắt xuống mảnh vườn sau, bác vẫn ung dung khoe màu tươi thắm, và không quên nghiêng cái bóng bao dung che chở lũ cây non xúm xít quanh mình.
Xã hội cần phải có sự tương thân tương trợ là thế, những khi bác bông giấy được tưới tắm ướt đẫm thân thể, là lúc ấy những cây ngò non mọc xung quanh cũng được hưởng lây những dòng nước mát.
Ấy thế mà bác chết, chết thật rồi, xuân sang nắng ấm đã lâu mà nguyên một bụi cây giơ lên những cành nhánh khẳng khiu

. Không còn nỗi buồn nào hơn khi phát hiện có một ngày tự nhiên lại mất đi những hình bóng, những tình cảm ấm áp nồng nàn trong cuộc đời có bao nhiêu cơ duyên để gặp gỡ.

Khu vườn mới vào xuân vẫn trống vắng thế nào ấy, chỉ có hai cô đào rất sung sức đã xanh um lá biếc, những cánh hoa hồng hồng như màu phấn trên đôi má thiếu nữ rồi cũng lần lượt bay lả tả xuống sân, vài hôm trên cành đã nhô lên những quả non bé xíu.
Ngắm nghiá sự sinh tồn cuả cây cỏ nào có khác chi con người, cây ngò non cứ tự hỏi tại sao hai cô đào lại sống mà bác bông giấy lại tiêu diêu miền cực lạc?

Góc vườn bên kia hai cô mai và nguyệt quế cũng rủ nhau ra đi không hẹn ngày trở lại.
Sự trống vắng ấy làm cho khu vườn càng thêm trống trải, vì thế tuy ngò rí mới chào đời, tự nhiên cũng thấu hiểu ra được sự mất còn cuả vạn vật.
Ngày nào nghe mẹ kể rằng, năm kia một cơn bão đã thổi qua đây, làm nghiêng cả bác thông và đánh gục mấy ngọn tre xanh, lúc ấy không nhờ bác bông giấy che chở thì cả họ hàng nhà ngò đã không còn lại được bao nhiêu.
Tìm hiểu nguyên nhân mới rõ, khi bác vừa tuổi dậy thì, chủ nhà đã cắt ngang thân bác từ dưới gốc, chính những cái cành mọc ra như giẻ quạt đã làm cho bác không bị ngả nghiêng khi trận cuồng phong thổi vào.
Cành nọ đỡ lấy cành kia, bám chặt lấy nền đất để chống đỡ, khi cơn bão tan, người ta thấy bác tuy có tơi tả nhưng vẫn mỉm cười, chỉ vài hôm khi mưa đổ xuống là bác lại nở nụ cười như môi son.
Sao bác chịu được gió mà lại không chịu được lạnh?

Hoá ra thời tiết và phong thổ ảnh hưởng lên con người thế nào thì loài thực vật cũng chịu chung số phận như thế, cái thân mỏng manh gai góc ấy chịu được với gió táp mưa sa, lại vẫn phải co lại vì đợt tuyết đổ xuống bất thuờng trong muà đông đến nỗi trút hơi thở cuối cùng.
Thế nhưng lòng ngò rí vẫn nao nao, dù năm ngoái cô chỉ là bông hoa màu trắng, rồi kết thành cái hột nhỏ xíu, để năm nay mọc lên cây ngò non.
Một lũ hoa be bé vây quanh mẹ ngò nghe kể chuyện, cơn gió chiều thổi từng làn gió mát mẻ vào khu vườn nhỏ, những câu hỏi ngây thơ cho bài học đầu đời sao dễ thương đến thế:
Mẹ ơi, cô mai là ai mà đẹp thế hở mẹ?
Đấy, cái cô mai với màu áo vàng rực rỡ kiêu sa là hình ảnh đẹp nhất cuả muà xuân mà mẹ ngò cứ suýt soa mãi.

Nghe nói cô chỉ nở vào muà Xuân, nhưng xa quê khí hậu thất thường lắm khi cô hay trổ muộn và kéo dài kiếp hoa đến vài tháng, cho đến khi trên cành đầy những cánh đỏ, đó là thời kỳ chuyển tiếp để hoa biến thành hột cho chủ nhà ương cây mới.
Nhưng nghe nói khó mà ương được cho cô nảy mầm, sự khác biệt về thổ nhưỡng và thời tiết khiến cô mai y hệt một tiểu thư nhà giàu, nắng không ưa mưa không chịu.
Mẹ ngò lại tỉ tê kể chuyện cho các con nghe:
Con không thấy là cô ấy đẹp và quý nhất trong mảnh vườn này hay sao?
Đã quý mà còn hiếm, vì đây là hoa miền nhiệt đới, nay chịu lớn lên ở xứ lạnh, phải chăm chút như con mọn và nâng niu như trứng mỏng, cô ấy mới trổ hoa.
Dĩ nhiên người ta sang và đẹp thì bao giờ cũng được tâng tiu hơn những loại tầm thường, nhưng cứ nghĩ cho cùng thì mẹ con mình cũng thua ai đâu

Chút tự ty mặc cảm chỉ thoáng qua trong lòng bà mẹ ngò nhà quê thế thôi, bởi vì nhác thấy lũ hoa ngò bình dị trong màu áo trắng, đang xụ mặt ra buồn vì chỗ đứng thấp kém cuả mình:
Cô mai đẹp vậy nhưng không có mùi thơm, còn mẹ con nhà mình tuy tầm thường nhỏ bé nhưng thơm tho đáo để.
Mẹ chả thấy ai xắt lá mai hay lá tre để bỏ vào nồi canh cho dậy mùi được, thế nhưng chỉ một nhúm con con ngò rí thì bát miến gà, tô phở tái đã dậy mùi thơm bát ngát.
Bao nhiêu thứ cao lương mỹ vị bày trên mâm cao cỗ đầy, nhưng nếu thiếu mẹ con mình cũng không tạo nổi sự hấp dẫn cho cái bao tử thèm thuồng, mà nói đến cái ăn thì mẹ nghĩ, từ vua chí dân, từ giàu chí nghèo ai cũng phải ăn mới sống.
Cao hay thấp không quan trọng các con ạ, giá trị là ở sự cống hiến cuả mình cho cuộc đời nó như thế nào thôi.
Ngò Rí ngẩn ngơ vài giây rồi cũng hiểu lời mẹ nói, cả bọn mỉm cười thú vị và không cảm thấy tự ty mặc cảm với cuộc đời phù du, dù chỉ là một bông hoa nhỏ xúm xít nhau trên thân mẹ hiền, cô cũng cám thấy sung sướng và hãnh diện.
Ngước nhìn quanh khu vườn, bao nhiêu cây cỏ sống êm đềm với nhau theo năm tháng, lòng tị hiềm nhỏ nhen chỉ làm mất đi sự an hoà cuả khu vườn mà chủ nhà đã tốn bao công sức tạo dựng.
Một tối trăng lên trời cao gió lộng, bác tre già đã cao hứng kể cái chuyện ngày xưa khi bác mới về khu vườn này cho cả làng nghe:
Ối chà! Cái lúc tôi mới đến khu vườn này giống như vùng kinh tế mới, trơ trụi đất cát nhìn thấy mà phát sầu.
Sau bà chủ biết thứ đất này cần phải có thời gian mới có thể trồng cây, trên mặt thì đất cát nhưng đào thêm tý nữa chỉ toàn đất sét, rất thích hợp cho loài tre trúc phát triển.
Thế mà giống tre chúng tôi lại sống được, cứ tỉnh bơ mà đâm rễ xuống, cái gì cũng vậy, hễ qua được giai đoạn đầu, khó khăn khổ cực bao nhiêu mà đã bám trụ được là sống.
Cứ y như người tỵ nạn , à mà cái bà chủ này cũng là dân tỵ nạn
Lúc đó cô đào mới lên tiếng hỏi:
Tỵ nạn là gì hở bác? Em sinh ra ở đây, chả thấy cây tỵ nạn bao giờ cả. Bác tre thở dài, càng tối gió càng vi vu nên lời bác nghe như tiếng than van:
Cái đó mình cũng không hiểu nhiều, nhưng chắc là để tránh cái gì khổ chịu không nổi, đi tìm nơi bình an hơn để sống đó mà. Vậy mà khi đi họ cũng ráng mang theo bao nhiêu hương vị quê nhà, mẹ con nhà ngò là một điển hình đấy.
Nhìn quanh mà xem, bao nhiêu thứ khác tuy không nói ra nhưng cũng từ quê nhà bò hết cả sang đây, mùng tơi, rau ngót, rau má, rau mơ, họ hàng nhà mướp, bí , bầu cũng rủ nhau tỵ nạn một lượt, cả đến nhà cô chim én cũng rủ nhau thiên di hằng đàn

Cả bọn cùng ồ lên , lúc này mới để ý là từ hôm sang xuân, trời xanh thăm thẳm la đà những cánh én nghiêng nghiêng như những nốt nhạc. Cô hoa hồng đỏ gốc địa phương bĩu môi cười trong bóng tối, cô vẫn hay ghen với cô mai vì cho là người khác xứ, lại được tâng tiu ngang hàng với lũ én bay trên trời xanh.
Nhưng bác tre đã lên tiếng: Chuyện nhà én thì dài lắm, nhưng không kể ra thì chả ai biết là tại sao hễ có muà xuân thì phải có chim én lượn. Nghe nói ngày xưa họ ở xa lắm, cái xứ ấy lạ kỳ, mỗi muà lại giao cho một vị thần trông nom.
Năm ấy khi lão muà Đông xách cái nón rách ra đi, bàn giao thời tiết lại cho một lão muà Xuân khó tính , nhưng chưa bao giờ lại có cái thứ người ngợm khó khăn như vậy
. Lão ta cũng cho hoa, lá, bướm,ong dập dìu nhưng cấm tuyệt không cho loài chim được hót, hễ đưá nào dám hót là cắt cổ.
Trời Xuân mà sắc đỏ au vì mặt lão lúc nào cũng như say rượu hay tức giận gì ai, cho nên mọi loài đón xuân về mà lòng nặng nề như đá tảng.
Người ta gọi đấy là muà Xuân chết, cũng bướm cũng hoa mà Xuân lại nặng sầu.
Thế là từ đấy trời vẫn chập chùng mây mà vắng dần những bóng chim, mới thấy là cái gì cũng vậy, hễ mất tự do là khổ

Bác tre già có tật nói dai nên vì thế suốt đêm chỉ nghe bác xào xạc kể mãi chuyện cũ.
Khu vườn rào rào lên thở dài vì gió thổi, hoá ra cây cỏ cũng có nhiều nỗi u uẩn mà ngò rí không làm sao hiểu hết được.
Đấy là nói chuyện mùa xuân năm trước khi còn mẹ, bây giờ đám ngò non mới lớn lên, khu vườn đã hoang tàn trống trải sau cơn mưa tuyết bất chợt phủ xuống cỏ cây một màn trắng xoá, còn hằn dấu tàn phá trên từng lóng xương cây cỏ
. Cô mai chết thật rồi, thân nứt ra từng đường rãnh nhỏ phơi ra thớ gỗ khô queo.
Bác tre ngạo nghễ ngày nào vươn lên trời xanh, giờ chỉ còn những thân tre thẳng đuỗn bạc phếch với gió mưa. Rồi mùi thơm nồng nàn cuả cô nguyệt quế những đêm trăng thanh gió mát năm xưa phả khắp hiên nhà, cũng chỉ còn nằm trong tưởng nhớ.
Cái trận bão năm ngoái. Phải rồi, cái cơn cuồng phong ấy cũng đã đẩy bác xồi ngã sóng xoài ra đằng sân trước, ở đây không ai cao tuổi bằng bác, mà cũng không ai cành nhánh xum xuê như bác, dáng đứng vững chãi ấy cứ tưởng không thể nào nghiêng ngả cho được, thế mà bác cũng ngả nghiêng với cơn lốc nghe nói từ biển xa thổi vào với sức gió hằng trăm dặm
. Cứ y như đang đứng bên lề đường ngắm cảnh trời trăng mây nước, bỗng dưng ùn ùn từ đâu một chiếc xe nhảy phóc lên ủi thẳng vào không né tránh được.
Số mệnh đấy, có ai biết trước được để mà tránh.
Cả làng cây cỏ ở sân sau nghe bác tre ngà thông tin thì giật bắn cả lên, lại xì xào từ nơi này đến nơi khác. Mẹ ngò lại nhắn nhủ lũ con:
Tai bay vạ gió chả biết đâu mà lường, ngó lên mình chả bằng ai nhưng cứ cái xó vườn này ung dung mà sống là được rồi các con ạ.
Sống cho trong sạch, sống cho tử tế, chia xẻ cho người những gì mình có thì mới gọi là sống có ý nghĩa.

Mẹ ngò chỉ nói thế thôi, vì thật ra thì lũ con bé bỏng dại khờ chi chít trên cây lúc nào cũng bám chặt lấy thân mẹ, cũng thật thà ngây thơ không hiểu hết nhưng gì mẹ nói.
Tháng ba rồi bước sang tháng Tư, bác bông giấy vẫn khô queo không thấy mầm xanh, từ gốc bụi tre lại đâm lên một chồi non mới, cô ngò hồi hộp chờ đợi ngày tre già măng mọc , và nếu mưa thuận gió hoà chỉ trong vòng một năm chú tre non này sẽ trổ mã , nhưng câu chuyện năm nào cuả người xưa rồi sẽ chìm vào quên lãng.

Nhớ hôm nào nghe tiếng gầm rú cuả chiếc máy cắt cỏ tiến vào ầm ầm như sấm nổ, ngò non nằm nép trong góc vườn nhìn sang thì đã thấy thảm cỏ xanh và bao nhiêu hoa dại muà Xuân bị xén cụt đến tận gốc
. Cô kêu lên thảng thốt, thôi rồi những chị hoa dại tim tím đang hé nở cũng chịu chung số phận với lũ cỏ dại ngô nghê ngốc nghếch, nhưng lại sinh sôi nảy nở nhanh thần sầu.
Ngò rí lại nhớ đến những ngày còn mẹ, mỗi lần thấy ông cắt cỏ tiến vào vườn như sấm động là một lũ hoa ngò run rẩy trong lòng mẹ: Mẹ ơi! Con sợ ông cắt cỏ.
Thấy lũ con lao nhao, mẹ ngò phải an ủi:
“Đừng sợ các con ơi, ông ấy phải làm nhiệm vụ cuả ông ấy để diệt lũ cỏ dại, nhưng cũng biết thứ nào phải chưà ra vì mình là rau cuả bà chủ nhà trồng,chứ có phá phách hoang dại gì đâu.
Ngò hoa rấm rứt khóc: Nhưng còn nhà chị hoa tím, chị ấy có làm hại ai đâu
Mẹ ngò cũng rưng rưng nhìn những mảng hoa tím rạp xuống tả tơi bên loài cỏ dại, nhưng vẫn phải an ủi lũ con thơ đang sợ hãi:
Không sao, tuy họ chịu chung số phận với loài cỏ dại, nhưng chỉ vài hôm tụi con sẽ thấy bao nhiêu hoa mới lại trổ đầy trên thảm cỏ xanh, làm thành một bức tranh thật đẹp tô điểm cho vạn vật được tươi tắn.
Công nhận sức chịu đựng cuả loài cỏ ghê gớm thật,

Ví nó ngang với niềm tin cuả con người gắn bó sống chết cho một cái gì họ đeo đuổi cũng không sai, rễ bám chặt lấy đất và âm thầm nằm đó chịu đựng, hễ trời rắc mưa xuống là chúng hí hửng trổi ngay dậy sởn sơ.
Mấy cô hoa tím dại xinh xinh có làm hại gì ai mà cũng chịu chung số phận, như con người sau một trận thiên tai đã ra đi hằng loạt, trí tuệ như loài người mà cũng không làm sao cắt nghĩa nổi hai chữ số mệnh thì mẹ cũng chịu không giải thích được.

May sao mẹ con ngò nép vào một nơi kín đáo, chỉ quanh quẩn với nhau một chỗ nên thoát chết bởi cái máy cắt cỏ hung bạo, âu là ơn trên che chở và nhờ phúc đức thơm tho cuả mẹ ngò mà lũ con tồn tại.
Dù nay mẹ đã ra đi, ra đi mãi mãi và ngò rí cũng lớn dần lên để tiếp tục cuộc hành trình hoà nhịp với mọi loài, nhìn những đổi thay trong khu vườn nhỏ, một vầng trăng tròn toả ánh sáng dịu dàng trên cảnh vật,

Một đêm mưa gió bão bùng làm rơi bao nhiêu chiếc lá vàng uá, tâm hồn ngây thơ bé bỏng cuả ngò rí một hôm nào thức dậy với bình minh và nhìn những hạt sương rơi trên cọng cỏ non, cái diện tích khu vườn trong tâm hồn ngây thơ ấy tưởng là bao la này thực ra cũng chỉ nằm gọn trong bàn tay cuả trời xanh thăm thẳm:

Ngước hỏi cao xanh ta thấy được gì
Cũng chỉ vẫn một ngàn trùng vĩnh cửu

Viết xong tháng Ba, đầu Xuân 2010.
Nguyên Nhung




 

Nồi Canh Riêu Cá

Cứ ra Tết độ mùng bảy là cụ Chánh lại làm một nồi canh riêu cá. Lúc ấy trời đã sang xuân, nắng dịu, gió thổi hiu hiu, những món rau tươi cũng rất sẵn sàng cho nồi canh riêu cá được đậm đà, mát mẻ hơn.
Mọi người sau những ngày Tết ăn nhiều thứ nóng nảy, nặng bụng, đều cảm thấy khoan khoái, dễ chịu với nồi canh riêu cá, một món ăn dân giả, ngon miệng trên những mâm cơm của gia đình miền Bắc.
Bà Chánh người Bắc Ninh, nơi xuất xứ những bài dân ca quan họ nổi tiếng.
Thuở còn trẻ, bà cũng có đi hát đối, không phải vì ăn chơi, lãng mạn gì nhưng đấy là nền văn hoá đặc trưng của dân tộc.
Bà Chánh vào Nam thấy đám trẻ mỗi lần hát bài Dân ca Quan Họ, bà lại nhớ đến khúc "Người ơi, người ở đừng về" , cũng vì mấy câu "Hai bên vạt áo ướt đầm như mưa" mà ông Chánh độ ấy còn trẻ, gốc người Thái Bình, đã phải về quê nói với cha mẹ đến xin cô gái Bắc Ninh về làm vợ.

Năm năm mươi tư, dạo ấy bà Chánh còn trẻ, mới độ bốn mươi thì ông chết, bà một mình dẫn ba người con xuôi Nam. Bà Chánh vẫn ở quê chồng, tỉnh Thái Bình, vùng đồng chiêm.
Sau khi ông Chánh qua đời, bà Chánh nửa muốn đem con về quê mình, nhưng rồi thời cuộc đưa đẩy, từ đấy cứ theo người làng nước chạy ra Hải Phòng xuống tàu đi Nam.
Bởi vậy khi ra đi, bà cũng mất liên lạc luôn với gia đình ở quê nhà, lúc cùng lũ con ngồi trên chiếc tàu há mồm của Mỹ lênh đênh từ biển Bắc xuôi về Nam, nước mắt bà cứ tuôn như mưa.
Nhờ ơn trời cả nhà đi được hết, không thiếu một mống. Năm ấy bảy. Cũng vì bà muộn con, lấy chồng mấy năm cầu khẩn mãi trời mới làm phúc cho được mống con trai, rồi thêm luôn hai cô con gái.
Tưởng hôm ấy ra đi bà Chánh bặt tin luôn người thân ở quê nhà, nhưng lần hồi khi vào Nam họ cũng gặp lại nhau. Hóa ra lúc thời thế hỗn độn, người nào người nấy cứ im ỉm mà từ giã làng quê.
Lắm nhà kẻ ở người đi, chỉ có một dải đất mà biền biệt ngóng chờ nhau đến hai mươi năm chưa gặp lại.
Hai mươi năm ly loạn, bom đạn giăng giăng trên quê hương làm đau lòng người dân hiền lành trên hai miền đất nước, bà Chánh vẫn khắc khoải nhớ từng con đường làng, lũy tre xanh, những thửa ruộng xanh màu lá mạ, gác chuông nhà thờ vươn lên khoảng trời đầy mây tím, vài cánh chim bay về tổ mỗi khi chiều xuống.
Miền Nam mưa nắng hai mùa, Tết đầu tiên đón Xuân trời nắng chang chang, món thịt đông miền Bắc không thể thực hiện được. Chợ Tết dưa hấu chất cao như núi, bánh tét thay cho bánh chưng, mùa Xuân mà nóng đến chảy mỡ, bà cứ nhớ cái rét ở quê xưa thắt cả ruột
Bà Chánh tiêu biểu cho một người phụ nữ Việt Nam hiền lành, tần tảo và đảm đang. Bà chẳng hiểu chính trị, chính em là gì, nhưng từ lúc Tây về nước, Việt Minh lên nắm chính quyền, rồi sau này lại bảo là Cộng Sản, xem ra làng quê đã có chiều thay đổi.
Từng đoàn bộ đội từ mặt trận kéo về, ngày thì họp, đêm lại văn nghệ, đánh trống, phèng la, thanh niên nam nữ, trẻ con trong làng họp nhau lại để nhảy "son đố mì " thì bà đâm sợ.
Tự nhiên người ta nhòm ngó nhau từ cái rổ đi chợ cho đến nồi cơm trong bếp, người ta bươi móc sự giàu nghèo của nhau mà kết tội.
Làng bên chồng lẫn lộn vàng thau, chẳng biết ai tốt ai xấu, ai thật ai giả, có một số đi biệt đã lâu nay trở về xem chừng con người đổi khác.
Mỗi chiều, ngay cả tiếng chuông nhà thờ nghe cũng đã buồn mênh mang, dường như từ độ ấy, nghe đã vắng tiếng cười vui trong các thôn ổ, gặp nhau bỗng nghi ngại điều gì, đa số những người lớn tuổi thường nhìn nhau rồi quay vội đi nén tiếng thở dài.
Tuy là đàn bà, lại góa bụa, nhưng bà cũng biết nhìn xa, cứ kiểu cách này thì đám con bà khó mà nên người.
Thế là một đêm tối trời, bà dẫn lũ con theo dăm người trong họ nhà chồng bỏ làng ra đi, nước mắt cứ tuôn như mưa giầm tháng Bảy
.Bà Chánh di cư vào Nam, nhưng phong tục tập quán nơi quê cha đất tổ thì bà không thay đổi. Tết chưa phải là Tết nếu không có bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành, dưa cải, thịt đông, thịt kho tàu và nồi gà xáo măng, lại thêm giò thủ nhai lựt xựt, đậm đà lẫn với tiêu sọ và mộc nhĩ.
Món ngọt thì đã có nồi chè kho, đấy là thứ đậu xanh đãi vỏ nấu nhừ, nhưng không nhão, cô lại với đường rồi đổ ra cái mâm gỗ, trên mặt rắc vừng.
Quan trọng nhất vẫn là vại dưa, vại cà, Tết lại phải thêm món dưa hành để ăn với thịt mỡ.
Món dưa hành miền Bắc sau này cũng có khác đi khi ở miền Nam, vì mỗi nơi có một lối muối khác nhau.
Miền Nam ăn cái gì cũng ngọt, cho nên dưa hành chua ngọt ăn cũng hay hay. Ở làng bà ngày xưa, hễ thời làm con gái là phải biết muối dưa muối cà, cô nào đoảng vị, "muối dưa, dưa khú, muối cà, cà thâm" là kể như ế chồng.






Nay thì mọi người đã gọi bà Chánh bằng cụ, khi anh con trai lấy vợ rồi có được ba đứa con lớn lồng nhồng cả lên.
Cô con gái kế cũng đi lấy chồng, còn mỗi cô út kén cá chọn canh vẫn ở nhà với mẹ, cụ Chánh vẫn ở với con trai. Phong tục Việt Nam mình thế, "tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử". Đó là cụ theo lối cổ, chứ thời buổi này mọi thứ thay đổi cả rồi, còn mấy ai lại chịu lệ thuộc con cái như phụ nữ Việt Nam ngày xưa.

Buổi sáng hôm nay, cụ Chánh vọc tay vào vại dưa, xem lại mớ dưa chua cụ làm từ trong Tết.
Mấy ngày Tết, cả nhà đã thanh toán nhanh chóng mấy món thịt đông, thịt kho nước dừa ăn với dưa cải, dưa hành của cụ. Dạo còn ở Bắc cụ Chánh chỉ làm thịt kho tàu, thịt thái từng miếng nhỏ cỡ hai đốt ngón tay, kho xong miếng thịt đỏ au, tươm mỡ, rất đậm đà.
Nhưng từ lúc vào Nam, cụ bắt chước người miền Nam cắt thịt từng miếng to tướng, kho với hột vịt và dùng nước dừa tươi, nồi thịt kho trông thật hấp dẫn, vừa mềm, vừa béo, vừa thơm.
Dầu vậy, thịt kho tàu hay thịt kho nước dừa, nếu không có món dưa cải chua thì vẫn chưa đủ bộ.
Ngay từ khi miếng mùi hành xanh, các con các cháu cụ đã thắc thỏm khen ngon , đã bảo cụ Chánh làm dưa khéo từ hồi con gái.
Hôm nay chỉ còn ít thịt kho, cả nhà ăn đã ngán, cụ Chánh nhìn mớ dưa còn lại bảo con dâu:
- "Hôm nay đi chợ nhớ mua bún, cá thu tươi với lại cà chua, thìa là , hành lá. Nhớ là cà chua phải thật chín, rau sà lách, rau kinh giới và tía tô, thêm một bó ngò rí nữa mẹ nó ạ."
Cô con dâu người Nam, gốc miền Tây Nam Bộ, tính tình rất đơn sơ cho nên độ mới về làm dâu, mẹ con cũng có vài khác biệt nho nhỏ.
Chẳng hạn cụ kho thì phải mặn, người miền Nam lại thích ngọt cho nên lúc nấu ăn, thế nào cũng phải cho thêm tý đường.
Lâu dần cụ Chánh cũng quen với lối nêm nếm cuả miền Nam, ăn canh chua đã thấy ngon, nhưng món riêu cá của cụ cũng chẳng xa lạ gì với cô con dâu gốc Nam Bộ ấy nữa.
Bây giờ "Nam Bắc đề huề", cô con dâu đã biết pha tiếng "ạ" mỗi lần nói chuyện với bà con bên chồng, cái giọng Nam pha Bắc nghe ngọt ngào dễ thương làm saoCô con dâu hiểu ý mẹ chồng, năm nào cũng vậy, nồi canh riêu cá là món cuối cùng tổng hợp tất cả những món ngon ngày Tết còn lại, vậy mà cả nhà ai cũng thích.
Chị xách giỏ đi chợ, nhớ kỹ những món mẹ chồng dặn, vì cụ Chánh chả mấy khi ra chợ, cụ ở nhà lãnh phần ru cháu ngủ.
Ra Tết đồ hàng bông rất rẻ và rất non, xanh mươn mướt. Bao năm rồi về làm dâu cụ Chánh, chị đã quen cái món rau xanh ăn với canh riêu cá của bà mẹ chồng.
Những món bánh chưng, lạp xưởng, giò thủ, giò lụa, thịt kho, xáo măng giờ này xem đã nặng bụng lắm.
Giữa tiết trời thế này, trong người thấy hao háo một cái gì man mát, tươi tươi , xem ra món canh riêu cá đáp ứng thật là đúng lúc.
Cô con dâu đi chợ về, bình thường thì chị vẫn nấu ăn, nhưng đặc biệt món canh riêu cá ngày đầu năm phải đích thân do cụ Chánh nấu.
Cụ rửa sạch mấy khứa cá thu với một chút nước muối, bao nhiêu thứ tanh tưởi trôi đi nhờ nước muối.
Sau đó, cụ xát một chút muối tiêu vào từng khứa cá, rồi mới chiên sơ trên chảo mỡ.
Cụ Chánh vớt hết dưa chua còn lại trong vại, dưa đã chua, ăn tươi thì hơi ghê răng nhưng chua thế này thì nấu riêu ngon tuyệt.
Cụ trầm trồ nhìn mớ cà chua chín đỏ thẫm, cà phải chín thì nồi canh mới ngon, là vì trong cái chua ngọt của cà lẫn với cái chua dôn dốt của dưa, nó hòa hợp y như là có thuyền thì phải có sông vậy.

Cụ Chánh thái dưa, thái cà, đảo trên bếp với một chút hành lá, rồi tất cả những thứ thịt thà, mắm muối còn dư trong trạn cụ đổ cả vào nồi riêu.
Người ta cho cụ là người tằn tiện, không bỏ phí một tí gì, nhưng nếu đã trải qua trận đói năm Ất Dậu như cụ,
Cả nhà suýt chết đói nếu không có người họ hàng giúp cho ít gạo nấu cháo, thì không thông cảm được cái lòng của cụ.
Cái kinh nghiệm quí giá ấy, sau này các con cụ mới thấy rõ, nhất là anh con trai phải đi "cải tạo" mấy năm, càng nghĩ anh lại càng thương mẹ đã chắt chiu, tiện tặn.Bây giờ cụ Chánh quay lại với nồi canh dưa của mình.
Tý nữa thì cụ quên, còn phải cho vào tí mắm tôm, nhờ vậy hương vị của nồi canh dưa mới đậm đà, mà mấy anh muối hoặc nước mắm không làm sao có được.
Ngần ấy thứ hỗn hợp với nhau, có thể nói nồi canh riêu cá là một thứ canh đặc biệt hòa hợp tất cả những thứ đồ ăn linh tinh còn lại của nhà bếp, bát thịt kho cũ, bát mắm ăn dở, tất cả trộn lẫn vào nhau để thành một hương vị riêng.
Bếp vừa lửa, canh sôi vài dạo, canh dưa phải nấu kỹ mới ngon, nhưng cũng không lâu quá để miếng dưa cải vẫn còn hơi sần sật, và cái màu cà chua đỏ thẫm lẫn lộn với màu dưa cải vàng
Cụ Chánh cho những khứa cá thu chiên vào nồi canh dưa, cá lẫn với dưa, bốc lên một mùi dễ chịu.
Người ta cũng có thể nấu dưa với sườn heo non, hoặc thịt bò bắp, nhưng thật ra không anh nào qua mặt được thứ riêu cá.
Cụ sống ở vùng biển nên dùng cá biển cho tiện, thực ra thịt cá thu vừa thơm, vừa bùi, đem kho riềng thì phải gọi là vô địch trong các thứ cá, trẻ con ăn không sợ hóc xương.
Nồi canh dưa không thể nào ngon nếu không có hành, thìa là. Khi nấu canh xong, người nội trợ phải cho vào nồi canh rồi bắc ngay xuống bếp, mùi hành lá và thìa là đặc biệt dậy lên một mùi thơm khó mà tả nổi.
Trong lúc nồi canh đặt trên bếp, cụ Chánh đã lo sửa soạn món rau sống. Trong chiếc rổ to, những cọng sà lách non mềm mại, tươi hơn hớn như con gái đang xuân, rau ngò rí thật thơm, kinh giới, tía tô, dấp cá đầy vị thuốc.
Người Việt Nam mình sống trên đống thuốc mà không biết, những thứ rau cỏ hàng ngày đã cung cấp bao nhiêu thứ mát tì, mát vị, bổ âm bổ dương, lại cứ cầu kỳ đi tìm những thứ thuốc giời ơi, uống lắm chỉ phá gan, nát thận.
Cứ nghiệm cái câu "thịt cá hương hoa, dưa cà căn bản", mới biết ông bà ta ngày xưa đã tìm ra được chân lý trong vấn đề ẩm thực, mới, một lớp mỡ váng trên mặt nồi canh, nhìn đã thấy thèm.
thấy cái văn minh, văn hóa của dân tộc tiềm tàng ngay từ trong cách ăn, nết ở.
Trưa hôm ấy, mâm cơm được dọn lên chỉ duy nhất có nồi canh riêu cá, đấy là dấu hiệu báo Tết đã hết, các món ngon, đầy bụng cũng không còn, nhà nhà đã trở lại những thức ăn dân giả đạm bạc.
Gia đình anh con trai cả, gia đình cô con gái lớn, cô con út chưa chồng nhưng anh rể tương lai cũng được mời đến ăn canh riêu cá của cụ, chắc chắn là anh sẽ thành con rể sau này khi đã có dịp thưởng thức canh riêu cá.
Cả nhà quây quần quanh nồi canh riêu nóng, một rổ bún trắng ngần, mát như lụa, bún chan canh riêu nóng ăn với rau sống và một chút nước mắm cay.
Cái hài hòa của thực phẩm và rau cỏ đi với nhau làm khoan khoái lục phủ ngũ tạng trong cơ thể con người, nhưng cái chính là nó đã nói lên sự bền chặt, ấm áp của một gia đình đoàn tụ.
Họ nhai rau ráu, họ húp sùm sụp, miếng rau quyện vào miếng cá, bún cứ thế trôi tuồn tuột vào bao tử mọi người trong nhà, ăn đến đâu mát ruột đến đấy.
Cụ Chánh hể hả nhìn niềm vui khoan khoái giãn ra trên nét mặt lũ con cháu cụ.
Bát canh riêu cá chứa đựng biết bao nhiêu tình yêu của một người mẹ, đậm đà như miếng cá , như các thứ rau xanh biểu hiện cho một tấm tình quê mộc mạc, chuyên chở được tất cả tình thương của người mẹ Việt Nam trong gia đình, với tình quê hương bàng bạc trong đó.
Sau bữa ăn, hai cô con gái phụ chị dâu dọn dẹp mâm bát, cả nhà quây quần trong phòng khách uống nước vối ăn chè kho.

Năm nào cũng thế, nồi chè kho ăn lăn lóc mãi ra giêng cũng chưa hết, vì nó ngọt quá, nhưng cứ xong một bữa canh riêu cá ngon lành, miếng chè kho hình như bùi đậm hẳn lên, khi được chiêu bằng ngụm nước vối nóng. nằm trong bát canh sóng sánh, mát mẻ dịu dàng ....







Chẳng ai ngờ được có một ngày cụ Chánh lại theo đám con sống ở quê người. Sau năm 75, anh con trai bị đưa đi cải tạo ngoài miền Bắc, cụ lại khăn gói gió đưa đi thăm con, rồi nhân tiện đáo về quê cũ thăm mồ mả cha mẹ, ông bà.

Bao nhiêu năm xa quê, cụ cứ thắt cả ruột khi nhìn lại xóm làng cũ, nơi chôn nhau cắt rốn nay đã tàn tạ, xác xơ, may là mồ mả cha mẹ vẫn còn vì nhờ có mấy tấn đá ong quây quanh nên cũng còn dấu vết.

Chuyến xe lửa từ Nam ra Bắc, đi qua bao nhiêu đoạn đường dài, cụ Chánh không ngủ được, cụ đứng tựa vào khung cửa sổ của con tàu, ngắm nhìn cảnh quê xưa đang lần lượt trở về trong tầm mắt của cụ
. Làng xóm miền Nam khác xóm làng miền Bắc, chỉ cần vượt qua ranh giới hai miền là cụ đã nao nao xúc động, khi nhìn thấy cây đa cao ngất với những luỹ tre xanh bao bọc thôn làng, dăm nóc nhà ngói đỏ, mấy đứa trẻ con đang chơi đánh đáo dưới bóng cây cổ thụ râm mát.

Cụ cứ bùi ngùi mãi, lúc bước thấp cao về tới quê xưa, ngôi Thánh Đường hồi ấy đẹp đẽ xiết bao, nay đã nghiêng ngả, tiều tụy như người ốm lâu ngày không vực được dậy.

Nhưng lúc ấy hai miền Nam Bắc có khác gì nhau, mà cụ cũng không còn đường để chạy, mãi cho đến ngày anh con trai và cả gia đình được đi Mỹ theo diện HO, là cụ vui vẻ đi ngay không nuối tiếc.

Nói như thế không có nghĩa cụ là người bạc bẽo với quê hương, nhưng nếu không theo con cháu đi nước ngoài, mong gì cụ có để giúp đỡ cho người còn ở lại.
Sang Mỹ, người cụ có khoẻ ra nhưng cái lưng lại còng hơn, bao nhiêu năm vất vả người cụ không đổ xuống là may.

Suốt ngày trong nhà, cụ lạch từ nhà trên xuống nhà dưới, từ trong nhà ra ngoài sân, rồi từ cái khoảng sân sau mát mẻ ấy, cụ trồng rau.
Anh con trai sợ mẹ già vấp ngã khi vun tưới cho vườn rau sau nhà, đã gắn sẵn cho mẹ một hệ thống tưới cỏ tự động.
Cứ mỗi chiều, cụ Chánh lạch bạch ra vườn, ngồi ở mé hiên gần cây hoa đào, phe phẩy chiếc quạt trong tay, cụ nhìn những tia nước phun lên rào rào trên những luống rau, luống cà, cụ lại ngỡ trời mưa.

Cơn mưa xuân ở quê nhà ngày xưa cũng y như thế, trong trí cụ lại lan man hình ảnh mình với áo tứ thân, những câu dân ca Quan Họ ngày trẻ tuổi.

Cánh đồng lúa chín với những cô thôn nữ hai má rám nắng hồng, đôi môi đỏ vì miếng trầu cánh phượng, những mối tình quê mộc mạc và đằm thắm, ý tứ kín đáo mà lại biết bao nhiêu tình.
Buổi chiều mắt cụ Chánh tuy đã hấp hem, nhìn những giọt nước đọng trên rau cỏ trong vườn, sao nó cứ thấm thía tình tứ như câu quan họ ngày xưa:

" Người ơi! Người ở đừng về,
Người về ta chẳng ý y cho về,
Ta giữ vạt áo, ý a ta đề câu thơ,
Người ơi! Người ở đừng về

Người về em những ý y khóc thầm,
Hai bên vạt áo ướt đầm, đầm như mưa,
Người ơi! Người ở đừng về . . . . "

Không biết có phải vì chiều nay nắng hanh hanh, cơn gió Xuân chợt tới mà bà cụ già tự dưng lại cất cái giọng khàn khàn để ca lại cái bài Dân ca Quan họ .
Những giọt nước mắt nóng hổi bỗng dưng cứ chảy dài xuống đôi gò má nhăn nheo, cụ lấy vạt áo lau vội đôi hàng lệ, hóa ra cái tình quê vẫn còn nguyên trong lòng cụ, như hương vị nồi canh riêu cá cụ cũng vẫn mang theo từ quê nhà tới quê người.

Thế cho nên dẫu sống ở xứ người, sung sướng tới đâu, chẳng mấy ai đã quên được mảnh đất quê nhà, và những kỷ niệm ở quê hương, một lúc nào đó sống dậy, lại biến thành những nỗi nhớ đằm thắm dịu dàng cho suốt một đời vậy.

Bởi thế, đã bao nhiêu năm qua đi không thay đổi, nhà cụ Chánh vẫn duy trì nồi canh riêu cá, rau tươi và món chè kho vào ngày mùng bảy Tết âm lịch
. Đạm bạc, đơn sơ, nhưng cái ấm cúng của một gia đình xum họp, ràng buộc với nhau bằng nồi canh riêu cá của bà mẹ già mới là những gì phải ghi nhớ mãi.

Để tưởng nhớ đến Mẹ Già
với "Nồi Canh Riêu Cá" ở quê nhà năm xưa.

Nguyên Nhung,




Default Người Lính Già Trên Chuyến Tàu Đêm-Nguyên Nhung



Hơn mười năm trở lại quê nhà, lúc bước xuống phi trường Tân Sơn Nhất, buổi xế trưa trời nóng bức, không khí ngột ngạt, ông Bảo lặng lẽ nối đuôi sau đám hành khách đang lục tục xếp hàng làm thủ tục hải quan, mồ hôi vã ra đầy người.
Người về lặng lẽ chờ, cảm giác có nôn nao nhưng không láo nháo bằng đám người nhà đang đứng ở phiá ngoài chờ đợi thân nhân.
Khi ngồi trên chiếc taxi chạy ra khỏi phi trường, ông Bảo mới ngỡ ngàng nhìn một Sài Gòn thay hình đổi dạng. Sài Gòn đây rồi, hơn mười năm biền biệt vắng xa, ông Bảo cố tìm lại vài nơi chốn quen ngày xưa khi chiếc xe tắc xi cố len lỏi chạy trong dòng xe đầy nghẹt trên đường phố.
Thay đổi nhiều, nhưng ông Bảo không phải về để tìm điều gì trong cái thành phố diện tích chật chội với tám triệu người dân đang chen chúc nhau gần như không có không khí để thở.
Ông chỉ lướt qua Sài Gòn, rồi về nghỉ ở nhà bà con vùng ngoại ô thành phố, chờ chuyến xe lửa ra Trung, ở đó có bà mẹ già của ông đang thoi thóp những ngày cuối đời chờ đứa con xa trở về.
Đã quen với những xa lộ thênh thang cuả nước Mỹ, những khu nhà ở cách xa nhau nằm ẩn mình sau những bóng cây xanh, phố xá cũng ít bộ hành trên đường phố, ông Bảo cảm thấy hơi ngộp thở trước cái nóng, cái bụi, cái ngột ngạt của một Sài Gòn đang chuyển mình để ngoi lên với những đô thị lớn trên thế giới.
Hồi xưa ông ít khi có dịp về Sài Gòn, bởi thế với ông sự thay đổi ấy không làm ông choáng ngợp bao nhiêu.
Mười hai năm ở quê người, mỗi lần nhớ về quê hương, trong óc ông hỗn độn nhiều hình ảnh khắp ba miền đất nước, nhưng quả đáng tội, hồi niên thiếu ông đã sống ở miền Trung, dải đất nghèo nhất trong ba miền Trung Nam Bắc, nó đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng ông, dù ông được sinh ra ở miền Bắc.
Trời đã dần tối, những vị sao giờ này mới nhấp nháy trên nền trời tối thẫm như nhung
. Bỏ lại Sài Gòn hòn ngọc Viễn Đông , thành phố ánh sáng của những người giàu và là nơi trú ẩn cho những người nghèo trong những hẻm hóc tối tăm không bình yên.
Nơi nào cũng vậy, ở Mỹ người ta vẫn có thể bắt gặp được những hình ảnh tương phản cuả sự nghèo giàu, nhưng không quá chênh lệch như ở Việt Nam.
Chẳng cần nhìn đâu xa, ngay trên chuyến tàu này, những người như ông từ nước ngoài về, những du khách ngoại quốc muốn tìm cảm giác của chuyến tàu đêm , hoặc những người thành phần khá giả ở trong nước thường vẫn kiếm một chỗ khá đầy đủ tiện nghi trên xe lửa.
Còn ở những toa tàu ngồi, ông thấy trên khoảng trống cuả hai hàng ghế ngồi, lổn nhổn những chân cẳng và hành lý ngổn ngang, người đi tàu đang thu dọn để tìm một chỗ nghỉ lưng suốt đoạn đường dài ra Trung, Bắc.
Toa ông ở có bốn người, hai anh Tây ba lô đi du lịch Việt Nam, một người Việt có vẻ thuộc hạng khấm khá về thăm nhà ngoài Trung.
Khi vào phòng, mỗi người chỉ gật đầu mỉm cười với nhau rồi tìm chỗ của mình.
Chiếc giường nệm trắng toát, có bàn để ngồi uống trà, vài cuốn quảng cáo về du lịch để trên mặt bàn, ông bỗng nghe tiếng nhạc dặt dìu vang lên , có lẽ từ lúc chuyến tàu đêm chuyển bánh mà ông không để ý.
Quái lạ! Bản nhạc " Tàu Đêm Năm Cũ" được một cô ca sĩ có giọng trầm buồn vẫn lồng lộng vang lên trên chuyến tàu đêm ra miền Trung, khiến ông bàng hoàng lặng đi một chút khi nghĩ về những cảnh chia ly trên sân ga hiu hắt ánh đèn mờ, ở những thập niên trước khi chiến tranh còn đang sôi sục.
Trời đêm dần tàn, tôi đến sân ga nơi tiễn người trai lính về ngàn, tàu cũ năm xưa mang về trả cho tôi người xưa..."
Thốt nhiên, ông nghe mắt mình nằng nặng, cảm giác những chuyến tàu đêm năm cũ hồi ông còn là một người lính bỗng ào ạt trở lại, như là ông lại một lần nữa nhìn thấy bóng dáng người lính năm xưa, bùi ngùi nắm tay người yêu trước giờ chia biệt, và tiếng còi tàu , ôi tiếng còi tàu sao lúc ấy nó não nùng như hồi kèn truy điệu.
Ông vội nhắm mắt lại để đừng nghĩ gì nữa. Chung quanh ông còn lại gì, chập chờn ảo giác cuả những hình xưa trở lại.
Không, ông vẫn đứng đây, bên khung cửa sổ cuả toa tầu hạng nhất, tóc đã bạc, đôi mắt đã xụp mí khi về già, nhìn mải miết vào bóng đêm mịt mùng để tìm lại những hình bóng cũ.
Con tàu tăng tốc độ, ông không nhìn rõ gì lắm, chỉ nghe vù vù tiếng gió đêm thổi bạt hai bên tai.
Có lẽ sau hai tiếng đồng hồ hay hơn một chút, ông lại thấy con tàu đi vào khu thành phố rực ánh đèn.
Khung cưả sổ của toa tàu khá rộng, hai người Tây ba lô đang nhai mỗi anh một ổ bánh mì thịt, vừa rù rì nói chuyện, người đàn ông Việt Nam cùng phòng cũng đứng ở đó từ bao giờ, ngắm cảnh lên xuống ở sân ga.
Ông quay sang người bạn đồng hành hỏi trỏng:
" Đây là đâu nhỉ?"
Ông ta cũng trả lời trống không, giọng miền Bắc:
" Tới Long Khánh rồi". Rồi nhìn đồng hồ ông ta tiếp:
" Hơn chín giờ. Ông về đâu?"
" Tôi ra Quảng Ngãi."
Ông trả lời vắn tắt.
Người khách tò mò hỏi thêm:
-Ông từ nườccc ngoài về à ?
Ông lắc đầu, nói " Không, không".
Có gì chứng minh được ông là người xa quê mới về thăm nhà, bộ quần áo tầm thường khiến ông trông giống một người lính già phục viên hơn là một ông Việt Kiều.
Mà ông chính là người lính già về thăm quê thật, cho là có cái lằn Nam Bắc nằm chình ình ngay chính giữa, thì ông vẫn chỉ là một người lính già không hơn không kém.
Bốn chữ "Nhà Ga Long Khánh" lộng lẫy đóng khung trong những bóng đèn xanh đỏ đập vào mắt ông, khiến ông chợt buồn rầu khi nhớ rằng có một thời vợ ông đã vất vả đi lên đi xuống cái sân ga này.
Từ đây đi thêm một cuốc xe " Lam" nữa, cách thị xã khoảng mười cây số.
Hai bên đường là những làng mạc của dân di cư miền Bắc, đi khoảng 2 cây số là đã thấy nhà thờ.
Chỗ đấy có một trại tù , ngày xưa vợ ông đã đi tìm chồng hú họa ở cái địa chỉ mang những con số đầy bí ẩn và tối tăm như đời tù tội của ông.
Gần ba mươi năm trước, vợ ông đã giả dạng thành một người bán rong bán trái cây lặn lội lên Long Giao tìm chồng.
Long Giao là căn cứ quân sự cuả sư đoàn 18 Bộ Binh để lại, một khu quân sự rộng lớn bao xung quanh những con đường đất đỏ bụi mù, sau này trồng chuối bạt ngàn xen lẫn với những vườn tiêu của dân địa phương, len lỏi vào khu vườn chuối là những con đường đất nóng bỏng.
Năm đầu ở Long Giao, vợ ông vẫn bỏ lũ con thơ ở nhà, đi tìm chồng với cái hy vọng mong manh là tìm được chồng trong đám đàn ông ngày ngày vác cuốc đi lao động xung quanh trại.
Mỗi lần đi, bà lại quảy trên vai một đôi gánh, dưới thúng đựng dăm thứ đồ ăn tiếp tế, trên chiếc mẹt ngụy trang vài thứ trái cây.
Từ một khoảng xa đến hai lớp hàng rào kẽm gai, đám đàn ông thất trận ngừng tay cuốc ngóng mắt nhìn theo một đám phụ nữ dáng dấp thon thả đang lố nhố đứng ngoài khu vườn chuối ngó vào.
Kẻ nhóng ra, người ngó vào, bụi và nắng nhấp nhoá nên khó nhận ra nhau, thỉnh thoảng đám phụ nữ trẻ lại mon men xấn vào gần hàng rào kẽm gai để được gần gũi hơn đám tù đang cuốc đất, lại bị đuổi ra xa như một bầy gà nhao nhác.
Làm sao gần được em ơi, hai hàng rào kẽm gai với lại những câv súng kè kè như vậy, họ í ới gọi nhau hỏi chuyện.
Lần ấy may mắn ông đã nhận ra vợ trong chiếc áo cánh trắng, trên đôi vai nhỏ bé là đôi đòn gánh mà ông không hiểu làm sao vợ ông lại có thể gánh được, khi từ bé đến lớn bà chưa hề biết gồng gánh là gì.
" Cạn ao thì bèo xuống đất", ông thương vợ quá, nhưng cũng phải công nhận sự khéo léo và nhẫn nhục cuả vợ trong thời buổi nhiễu nhương ấy.
Chỉ lần ấy thôi vợ chồng nhìn thấy nhau để rồi ông lên đường ra Bắc.
Đêm ấy khi ngồi trong chiếc xe bịt bùng để đi xa, ông có nghe tiếng còi tàu.
Tiếng còi rúc lên lạnh lùng như tiễn biệt, lòng ông quặn đau khi nghĩ đến vợ con.
Sau này ông có nghe bà kể, nhà ở gần sân ga, chiều nào bà cũng tìm một nơi yên lặng để ngóng tiếng còi tàu, cứ hy vọng con tàu ấy sẽ là chuyến tàu đêm năm cũ trở về sân ga, có ông tàn tạ trở về với bà và lũ con. ..

No comments:

Post a Comment