Vẫn tiếp tục cho bài vào blog

Vẫn tiếp tục cho bài vào blog

Saturday, August 27, 2011

GIÀ ƠI, CHÀO MI!


GIÀ ƠI, CHÀO MI!
Đặc biệt tặng các bạn đang già hoặc sắp già của tôi

Anh em chúng ta người trước kẻ sau ai rồi cũng già. Làm sao tránh được! Đã có "sinh" là có "lão". Một giai đoạn tất yếu của cuộc sống. Nếu ngày đầu tiên mình sinh ra mà đã biết nghe, biết nói, nếu có ai bảo rằng mỗi ngày mình lớn lên là một ngày mình sẽ già đi, và tiến dần về cõi chết, chắc chắn là mình đã không tin. Tại sao lại bi quan vậy? Nói chi chuyện giả tưởng nghe như lối đặt câu với mệnh đề giả định trong một lớp học ngoại ngữ, ngay trong những giai đoạn trưởng thành từ thuở niên thiếu cho đến khi lăn lóc vào đời, có mấy ai ngừng lại vì những bận tâm liên quan đến lão suy hay lão hoá, trừ những thiền sư hay những chú tiểu trong chùa. Giòng sống cứ thế mà cuốn trôi đi, mỗi kiếp nhân sinh như một chiếc lá giữa giòng, trôi từ đầu nguồn ra sông, ra biển. Đâu có như con cá hồi (salmon) sau năm năm ở biển lại quay


ngược trở về nguồn để sinh, để chết!
Trong lớp sinh lý học phổ thông, học sinh trung học đã được biết về tiến trình già-chết của các tế bào trên thân thể con người. Từng giây, từng phút. Nhưng biết để mà biết. Đó chỉ là chuyện tăng trưởng và đào thải trong thân thể con người! Hay trong lớp siêu hình học nhập môn, khi nêu lên những vấn nạn về cuộc sống như "Ta là ai?" , "Ta từ đâu tới?" hay "Ta sẽ đi về đâu?", thì cũng chỉ là để đáp ứng một nhu cầu giới hạn nhất định trong phạm vi lớp học. Rời khỏi trường rồi, còn mấy ai nhớ những buổi hăng say thảo luận về các vấn đề triết lý trừu tượng ngày xưa? Còn bao nhiêu chuyện quan trọng, bức bách hơn. Chuyện bây giờ lo đã muốn bức hơi, đa mang chi chuyện của ngày mai, chưa tới.
Nhưng cái già nó vẫn tới và tới với mình chầm chậm, từ từ. Nhiều khi nó đến rồi mà mình vẫn chưa hay. Sở dĩ như vậy là vì hình như ai cũng phải qua một giai đoạn tự phủ nhận (self-denial) trước khi chịu nhận là mình bắt đầu già. Giai đoạn này dài ngắn còn tùy ở cá tánh và hoàn cảnh của mỗi người. Thật sự ra phải nói là cũng có người tuy tuổi đời còn thấp, nhưng trong cách suy nghĩ hay ứng xử xem ra thì đã có những phản ánh tiêu biểu của người già như phản ứng chậm chạp, nói năng lẩm cẩm, xoay trở vụng về, để đâu quên đó, còn đi lại thì như là người chỉ còn nửa bầu sinh khí. Lại cũng có người tuy tuổi tác đã cao nhưng lúc nào cũng mau mắn, nhanh nhẹn, nói năng mạch lạc, lớp lang, đầu óc minh mẫn, sáng suốt, ưa thích những sinh hoạt ngoài trời như tắm biển, chơi thể thao, sẵn sàng tham gia các buổi họp mặt với bạn bè, không quá ngần ngại, đắn đo trước những chuyến đi xa, bao giờ cũng sốt sắng, vui vẻ, lạc quan, biết sống trọn vẹn với cái bây giờ thay vì bận bịu, lo toan về cái tương lai, chưa tới.
Trong phạm vi bài này tôi không muốn kể lại đây những nhận định của các nhà chuyên môn về tuổi già và người già khi họ giải thích "thế nào là già" hoặc "tại sao ta già". Tôi chỉ muốn chia xẻ một số ghi nhận của chính bản thân mình, một người cũng đã quá cái ngưỡng 60, về những biến đổi tâm sinh lý trong con người mình cũng như về những khó khăn khi đối phó với những dấu hiệu biến đổi đó trước khi chấp nhận "chung sống hòa bình" với nó. Do đó mà có cái tựa đề như trên là "Già Ơi, Chào Mi!"
Tục ngữ Anh có câu "A man is as old as he feels, and a woman as old as she looks", nghĩa là cái già của đàn ông tùy thuộc vào cảm nghĩ của chính anh ta. Nếu anh ta vẫn cảm thấy mình trẻ trung, khỏe mạnh, thì tuổi tác có quan hệ gì đâu. Cũng như đối với người đàn bà, nếu dung nhan vẫn tươi tắn, mặn mà thì già trẻ cũng thế thôi, nhắc đến làm chi. Tựu trung già hay không là tùy ở cái đầu của mình. Bởi thế tôi rất tâm đắc với câu trích dẫn (không có ghi rõ tác giả) sau đây trong tập sách "Già ơi! Chào bạn!" của BS Đỗ Hồng Ngọc mà Anh Hà Quí Phú, một bạn đồng nghiệp cũ cùng tuổi ở Đà Nẳng, vừa gởi cho: "Age is mostly a matter of the mind! If you don't mind, it doesn't matter" (Tuổi tác là chuyện cái tâm, nếu ta không thèm quan tâm, chả có vấn đề tuổi tác!)
Nếu mình ngồi lại với nhau và hỏi nhau "Bạn thấy mình già từ lúc nào?" thì chắc chắn là mỗi người sẽ trả lời một cách, không ai giống ai. Nói như một người bạn của tôi, anh Tôn Thất Khoát : "Nếu ra bãi biển Santa Monica hay Malibu mà tình cờ được xem một màn quay "Baywatch" với những nữ tài tử trẻ trung, hấp dẫn trong show này diễn xuất bằng xương bằng thịt ngay trước mắt mình, nhởn nhơ, khêu gợi, mà trong lòng vẫn thấy dửng dưng, nguội lạnh thì phải nhận là mình đã già." Tếu, nhưng không phải là hoàn toàn sai. Khi chất testosterone trong cơ thể mình đã càng ngày càng khô cạn thì phản ứng như vậy đâu có gì là khó hiểu!Thật sự ra đối với các nhà khoa học thì dấu hiệu sinh lý của tuổi già đã được nghiên cứu từ lâu. Đại loại, nếu bỏ qua các giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi 20 đến tuổi 60 mà chỉ so sánh một người đã quá 60 với thời anh mới 20 tuổi, thì theo Curtis Pesman, tác giả cuốn "How a Man Ages," ta có thể ghi nhận những thay đổi như sau:

  • Da mỏng hơn và chùng xuống, độ co giản của da càng ngày càng giảm sút, và qua nhiều năm tháng biểu lộ vui, buồn, sướng, khổ, những nét nhăn trên mặt đã hằn sâu và lớn.
  • Tóc bạc, thưa, và nhẹ hơn, đường kính của tóc chỉ còn 86 microns (1 phần triệu của 1m) so với 101 microns hồi 20 tuổi.
  • Hai tròng mắt bị co lại, mức độ ánh sáng vào đến võng mạc giảm đi, khó phân biệt được sự vật trong tối, do đó mà khi đọc cần phải có ánh sáng đủ.
  • Tai không còn nghe được tiếng động trên tầm 10,000 hertz, như tiếng hót của chim, vì chức năng chuyển thể độ rung từ tai ngoài vào tai trong đã suy thoái.
  • Men răng càng ngày càng mòn dần vì quá trình nhai, nghiến, trong khi đó lợi răng co rút lại, làm lộ rõ khoảng trống giữa các chân răng.
  • Xương mất dần calcium, trở nên xốp, dòn, dễ gãy, lớp sụn ở các đầu khớp không còn nguyên vẹn, chất nhờn giữa các khớp khô đi, sinh ra di chuyển chậm, khó khăn.
  • Tim không còn bơm đủ máu ra khắp châu thân, một phần do cholesterol đóng dày trên thành động mạch làm tim phải hoạt động nhiều hơn mới bơm được máu đi.
  • Các cơ bắp làm cho phổi hoạt động bình thường suy yếu dần, độ co giản của lồng ngực yếu đi, làm cho lượng dưỡng khí hít vào chỉ còn bằng một nửa thời 20 tuổi.
  • Trọng lượng của thận giảm từ 20% đến 30%, sức lọc chất thải của thận chỉ bằng nửa hồi trẻ, và sức chứa của bọng đái cũng chỉ còn chừng một nửa (8 fluid ounces, khoảng non 230cl).
  • Với năm tháng qua đi, khối não cũng rút nhỏ lại và giảm trọng lượng, hàng tỷ tế bào não bị mất đi, trí nhớ bị giảm sút.

Những thay đổi trên thì ít nhiều ai cũng nhìn thấy, nhất là nơi người khác. Với tôi, đèn đỏ đầu tiên báo động tiến trình lão suy đã bắt đầu là cách đây 7 năm, lúc tôi phải vào Bệnh viện Hoag ở Newport Beach để mổ tim và thay van (mitral valve). Trước khi vào phòng mổ tôi cũng đã cố tìm đủ mọi lý do để tự thuyết phục cho quyết định của mình, mà lý do nặng ký nhất vẫn là "wear and tear." Có tốt đến đâu mà dùng lâu ngày cũng phải mòn, phải rách. Cũng như chạy xe thì đến lúc cũng phải thay 4 vỏ xe. Cũng như cái máy giặt trong nhà, cái lò trong bếp, hay cái bóng đèn trên trần. Sử dụng cẩn thận đến đâu đi nữa thì đến lúc hỏng cũng phải thay. Nhưng thay van là để được sinh hoạt bình thường trở lại, đâu có nghĩ là cơ thể mình đã bắt đầu già!
Rồi 3 năm sau khi mổ, theo khuyến cáo của những người có thẩm quyền, tôi lại phải ngưng chơi tennis, một thú tiêu khiển cuối tuần mà bao nhiêu năm ròng tôi thích thú đeo đuổi với tất cả hăng say, nhiệt tình. Lý do là chứng đau nhức phần lưng dưới (lower back) cứ dai dẳng, không dứt. Bản án thứ hai: Sau khi xem hình quang tuyến chụp phần lưng dưới, bác sĩ phán là tuy chưa trầm trọng nhưng đã có dấu hiệu suy thoái giữa các khớp xương L2 -L3, L3-L4, và L4-L5 là các khớp xương ở phần lưng dưới, nghĩa là chất nhờn đã khô đi, lớp sụn bao quanh các khớp đã mòn (Multilevel Degenerative Disease), khoảng cách giữa các đốt xương sống ở vùng này đã rút ngắn lại, và các ngạnh của khớp xương đã bắt đầu nhô ra (Multilevel Spondylosis). Tóm lại đây là dấu hiệu của bệnh lão suy. Nhưng nói là "bệnh" thì nghe ghê quá! Làm sao tuổi mình mà gọi là già!
Tuy nhiên với bản án khắc nghiệt đó tôi bắt đầu âm thầm tìm cách cưỡng chống lại, ít nữa là cũng để "trì hoãn chiến". Theo các bác sĩ tây y thì không có thuốc chữa. Có loại thuốc với hỗn hợp của hai chất glucosamine và chondroitin được quảng cáo ầm ĩ là có thể làm giảm đau ở các khớp thì Cơ quan Quản trị Thực và Dược Phẩm (U.S. Food & Drug Administration) lại chưa chuẩn nhận là có giá trị lâm sàng. Đồng thời nó cũng có thể có phản ứng nghịch đối với các loại thuốc làm loãng máu. Chất nhờn giúp các khớp chuyển động dễ dàng, tự nhiên, là của "trời cho", đến một tuổi nào đó sẽ khô dần đi, không có thần dược nào có thể tái tạo nó lại được. Nhưng các bác sĩ đông y lại quả quyết là được. Đau ở lưng là do gan nóng, hoặc thận suy. Nếu kiên nhẫn uống theo toa của các vị này đảm bảo sẽ lành. Thế là lại âm thầm đi bổ thuốc, nghe thầy nào hay xa đâu cũng tìm đến, thuốc sắc (ba, bốn chén còn một), thuốc tể, thuốc ngâm rượu. Thử hết, xem có kết quả gì không. Nhưng cái đau âm ĩ vẫn còn.
Cái khó đối với tôi còn ngặt nghèo hơn so với những anh em khác cùng bịnh trạng là tuy đau nhưng không thể dùng các loại thuốc giảm đau hiện có vì sợ phản ứng nghịch với loại thuốc làm loãng máu (Coumadin) mà tôi vẫn phải uống hằng ngày sau khi thay van nhân tạo bằng kim loại.
Song song với những cố gắng chữa trị bằng thuốc, tôi còn tìm cách thăm dò, luyện tập theo nhiều phương pháp khác nhau, mỗi cách đều có một mức độ công hiệu nhất định, do bằng hữu hoặc các anh chị sinh viên đã từng có thời học ngoại ngữ với tôi biết tôi đau nên đề nghị luyện tập thử. Cũng xin kể ra đây những môn tôi đã có tập qua để có anh em nào đồng bệnh cùng trao đổi kinh nghiệm cho vui:
  • Yoga (Hatha Yoga và Pitales Yoga) tại các trung tâm 20-Hour Fitness.
  • Khí công Thiếu Lâm Tự, theo cách hướng dẫn của tác giả Wong Kiew Kit trong cuốn Chi Kung for Health and Vitality.
  • Phương pháp thở sâu, chậm, nhẹ, và đều trong cuốn Wujishi Breathing Exercise của tác giả Men Den.
  • Phương pháp Đạt Ma Dịch Cân Kinh.
  • Phương pháp Thiền Vô Cực do Thầy Tôn Thất Hanh, nguyên giáo sư Quốc Học, Huế, giới thiệu.
  • Phương pháp Hồi Xuân gồm năm thế tập của các tu sĩ Tây Tạng do Peter Kelder thuật lại trong cuốn Ancient Sec ret of the Fountain of Youth.Thái Cực Quyền.

Tôi đã tập qua các phương pháp được giới thiệu cũng như một số phương pháp khác do các bạn thân quen vốn là võ sư chỉ giáo mà tôi không tiện kể hết ra đây, mỗi môn tôi tập một thời gian để tìm xem phương pháp nào phù hợp cũng như thuận tiện và công hiệu với mình nhất. Mấy năm gần nay tôi cố gắng đều đặn tọa thiền mỗi buổi sáng (theo Sổ tức quán) và tập Thái Cực Quyền là chính. Và đã thấy có phần nào giảm đau, không gay gắt như những năm trước đây.
Điều đáng nói không phải là chuyện phải kiên trì tập luyện, vì đây là nhu cầu sinh tử, mà chính là mình phải trực diện với thực trạng của thân thể mình, coi lão hóa là một phần của tiến trình tất yếu, tự nhiên, không có gì phải quá lo âu, sợ hãi. Và như đã nói ở trên, biết nó làm khổ mình, nhưng vẫn phải làm lành với nó, chung sống hòa bình với nó, thực tế khắc chế nó được đến đâu hay đến đó, không nôn nóng, hối hả, không trông chờ phép lạ mà mình biết ở tuổi này khó còn có thể xảy ra.
Gần đây tôi lại tình cờ đọc được bài "Tính Tuổi Theo Lối Mới" (Calculate Your Age in Neo-Years) trên trang nhà của Giáo sư Tiến sĩ Davis Demko có liên quan đến cách suy nghĩ về tuổi già. Theo ông, 75% tiến trình lão hóa của con người có thể điều chế được do tác động của sáu yếu tố sau đây:
  • Khắc chế yếu tố di truyền. Dĩ nhiên yếu tố di truyền tạo cho mỗi con người một tình trạng có thể bị mắc những bệnh mà cha mẹ người đó đã từng bị, nhưng những phương pháp phòng ngừa và bảo vệ sức khỏe hiện đại, nếu áp dụng đúng mức, có thể làm giảm đi rất nhiều tính đe dọa của yếu tố này.
  • Tập thể dục, thể thao. Rất nhiều các chứng đau nhức phát sinh do thiếu hoạt động. Nếu luyện tập thường xuyên thì hệ thống tim mạch sẽ được bảo toàn, xương và bắp thịt sẽ rắn chắc, khỏe, và sự phối hợp chân tay sẽ nhịp nhàng, hữu hiệu.
  • Tinh thần luôn được kích thích. Những người tưổi cao mà vẫn có những sinh hoạt tinh thần đều đặn và đầu óc luôn luôn được kích thích, suy nghĩ, tìm tòi như đọc sách, học ngoại ngữ, chơi ô chữ, hay tham gia vào các cuộc thảo luận hứng thú sẽ giữ được tinh thần minh mẫn, tỉnh táo lâu dài.
  • Có tập quán dinh dưỡng tốt. Cách tốt nhất để chống lại già trước tuổi hay bệnh tật. Thức ăn là năng lượng. Phải tìm hiểu những phương cách dinh dưỡng lành mạnh, cũng như những sinh tố hay khoáng chất mà cơ thể mình cần.
  • Sống có ý nghĩa. Sống phải có những mục đích đáng đeo đuổi. Ý thức rõ mục đích công việc mình đang làm dễ gây cho mình cảm hứng, giúp mình tập trung, chú ý, tránh được buồn nản, bẳn gắt, và kết quả tích cực sẽ nâng cao giá trị của chính mình.
  • Biết phòng ngừa bệnh tật. Đây là yếu tố quan trọng có giá trị điều chế tiến trình lão hóa. Cần khám tổng quát thường xuyên để kịp ngăn chận các bệnh hiểm nghèo. Đừng bao giờ nghĩ là các chứng đau nhức hành hạ mình chỉ là hậu quả của tuổi già.

Sau khi phân tích các yếu tố nói trên, Giáo sư Demko đề nghị một lối tính tuổi mới mà ông cho là chính xác hơn. Ông đặt tên cho công thức tính tuổi của ông là: DNA-Plus. DNA là viết tắt của Demko's Neo Age, Plus ngụ ý là già với những đặc tính tích cực. Công thức DNA-Plus tính trung bình của 4 lọai tuổi:
  • Tuổi thời gian, tính theo số năm đã sống.
  • Tuổi thể chất, tính theo tình trạng sức khỏe.
  • Tuổi xã hội, tính theo mức độ sinh hoạt hằng ngày trong việc làm, đời sống gia đình, giải trí, hay các công tác thiện nguyện.
  • Tuổi tâm lý, tính theo khả năng đối phó với khủng hoảng, mâu thuẫn, sự căng thẳng trong đời sống, hay thích ứng với mọi sự thay đổi bất ngờ.
Nếu áp dụng công thức này cho một người đã sống đến 80 năm (tuổi thời gian), có tình trạng sức khỏe của một người sống 70 năm (tuổi thể chất), có mức độ hoạt động của một người sống 60 năm (tuổi xã hội), và có khả năng ứng phó của một người mới sống 50 năm (tuổi tâm lý), thì tuổi trung bình của người này sẽ là (80+70+60+50) : 4 = 65 tuổi (Neo Years), nghĩa là tuổi chính xác của người này chỉ mới 65 chứ không phải là 80 theo cách suy nghĩ thông thường.
Bởi vậy cho nên, các Anh các Chị ơi, hãy mỉm cười như tôi mỗi buổi sáng khi thức dậy và bắt đầu ngày mới với một nụ cười: Già ơi, Chào Mi!
Vâng, đúng vậy. Tuổi già đã đến với tôi, và tôi đã làm thân với nó. Vì tò mò tôi cũng đã tính tuổi tôi theo công thức DNA-Plus của Giáo sư Demko. Bây giờ đến lượt Anh và Chị. Anh, Chị thử tính xem mình bao nhiêu tuổi?

Nguyễn Văn Sở

Wednesday, August 24, 2011

Mẹ - Và một chuyến đi

Mẹ - Và một chuyến đi



 Giác Ngộ - Mẹ nghe bà nói con sắp phải lấy chồng. Mẹ nghe và cũng nghe như thế. Mẹ đâu bao giờ nghĩ rằng lấy chồng là một việc rất hệ trọng, vì mẹ nghĩ rằng con gái khi đến tuổi trưởng thành ai cũng phải lấy chồng. Mẹ không đi ra khỏi quy luật tự nhiên đó, vậy lấy chồng cũng là chuyện bình thường đối với mẹ, và cũng như bao nhiêu người con gái khác sống giữa cuộc đời. Ngày về nhà chồng, sống trong sự chung đụng với một hoàn cảnh mới, không đơn giản như đang ở nhà với bà. Mẹ mới ngộ ra rằng, việc gia đình chồng con không như những gì mẹ đã hiểu, có quá nhiều trọng trách lớn lao nằm gọn trong một thân thể con người nhỏ bé, như vừa làm vợ, làm con, làm em, làm chị và làm mẹ. Làm mẹ là công việc, công việc đặc biệt hết sức thiêng liêng, nặng nhọc. Thiêng liêng cho đến nỗi con người không thể diễn tả hết trọng trách này theo dòng ý thức của mình. Do vậy, người xưa mới dành cho công việc làm mẹ một vị trí hết sức trân trọng, và cũng thật khắc nghiệt đó là một thiên chức. Thiên chức làm mẹ. Không phải người phụ nữ nào cũng có thể gìn giữ, và làm tròn trách nhiệm thiên chức cao quý ấy. Mẹ suy nghĩ như vậy và nói rằng đây là Một Chuyến Đi.
***
Một chuyến ra đi dài đăng đẳng, đi cả một cuộc đời, và luôn cả nhiều đời sau nối tiếp. Nhưng chỉ hiểu được một đời thôi, thì đó cũng rất mênh mông, sâu thẳm, nặng trĩu hơn cả một chuyến tàu lịch sử chở người di dân, nơi những chiến trường khốc liệt, đã làm thay đổi cả một giai đoạn lịch sử của một quốc gia, dân tộc, và đây là cả một đời người. Một chuyến đi, ra khỏi nhà, ra giữa biển đời đầy sóng gió và bão tố, trong đó ngày khó nhọc nhiều hơn giờ hạnh phúc. Mẹ tưởng nhớ lại, ngày nào ôm chăn gối và những đồ dùng cần thiết theo bà để rời khỏi nhà tìm đường mưu sống, mặc dầu cũng mịt mù không biết phía trước là thế nào, nhưng cũng còn có con đường tự do. Nhưng, chuyến đi này, dù đã định hướng, dù đã được sắp đặt, được tiếp đón long trọng nhưng thật vô cùng gay go. Gay go không phải vì khổ nạn, nghèo đói, túng thiếu mà chính là không còn tự do, đồng nghĩa một chuyến đi bị trói buộc. Do đó Đức Phật đã từng dạy: “Chúng sanh không có nỗi khổ sở nào bằng sự trói buộc của nghiệp lực”. Chuyến ra đi của mẹ chính là sự bước lên chuyến tàu của nghiệp lực mới.
***
Bổn phận làm một con người, làm một người vợ hiền, đảm đang, làm dâu hiếu thảo, làm người mẹ tần tảo lo cho con và gia đình, không phải là một sự trói buộc khủng khiếp sao? Mẹ nhớ lại vào cái thời còn con gái, khi còn là một người độc thân, ăn chưa no lo chưa đến, thảnh thơi với suy nghĩ của mình. Mẹ thèm khát được tự do như ngày nào, giống như con thuyền cứ muốn rẽ sóng vượt trùng đại dương không có gì cản trở. Bây giờ, mẹ cũng là một con thuyền nhưng con thuyền không còn tự do, thênh thang trôi trên dòng sông vắng lặng, phải chuyên chở cả một cuộc sống, vừa là người cầm lái và cũng là người thuyền trưởng, cần phải tài ba để lèo lái thuyền vượt biển đi trong bến bờ vô hạn. Một chuyến đi chưa biết ngày chấm dứt và đâu là bến đổ an toàn, giống như người ta thường diễn tả thân phận con gái mười hai bến nước không biết bến nào đục, bến nào trong.
***
Nghĩ đến như thế, mẹ mới giật mình ra rằng chuyến đi này là một chuyến đi lịch sử nó chuyển tải một định mệnh. Chuyến đi lịch sử bởi từng ngày mới của mẹ như là một trang sử. Những trang giấy được viết lên tất cả những sự kiện một cách trân trọng và khách quan. Chuyến đi định mệnh vì cuộc ra đi của mẹ không chỉ hôm nay, hay một đời này mà mang cả một quá khứ xa xăm để hình thành trong cái gọi là hiện tại đầy đủ mọi duyên tố tạo thành một tương lai trong nhiều ước vọng. Chuyến đi của mẹ, không chỉ dành riêng cho mẹ mà đó chính là tiếng nói đại diện của con người ai đã từng có mặt trong cuộc đời này. Nó không chỉ đơn thuần của một cá nhân nào mà đó là một sự hỗ tương, sự tương tục trong một kiếp sống. Phải chăng chuyến đi của mẹ là hình ảnh, là tiếng nói chung cho tất cả mọi người sanh ra giữa cuộc đời.
***
Mẹ đi ra khỏi nhà để đến với một môi trường mới, chính ra đó là sự hiện hữu của một con người, một chúng sanh được thoát ra bởi một thai tạng. Thai tạng này là chơn như tự tánh hay vùng sâu của ô nhiễm, tất cả đều phụ thuộc vào ước vọng, khao khát hiện hữu của chúng sanh, hay từ nguyện lực thị hiện của một vị Bồ tát hoá thân để cứu giúp đời.
Con đường của mẹ ra đi, bởi do một nguyên nhân đưa đẩy thì đó chính là biểu hiện của sự mất phương hướng hoàn toàn. Và ngược lại có sự lựa chọn của mẹ thì đó là tín hiệu hướng thượng và trưởng thành từ một ý niệm tuyệt đối. Con đường đau khổ hay hạnh phúc trong chuyến đi của mẹ, tất cả đều phụ thuộc bởi những ý niệm này. Nó vừa là một sự dĩ nhiên không lựa chọn, cứ để vòng quay của các sự ràng buộc tạo nên cuốn theo và vận động, hoặc là ý thức sẽ đi theo chiều ngược lại, để phá vỡ mọi trật tự được hình thành qua nhiều thế hệ như là một sự bùng nổ trong tâm thức để tháo gỡ mọi móc xích trong con đường tìm kiếm tự do và hạnh phúc.
Mẹ ý thức được rằng chuyến đi này sẽ là vô tận cả chiều rộng và chiều sâu trong ý nghĩa của nó, những gì đã có được hôm nay chính là nhân tố và kết quả của hôm qua và ngày mai. Đau khổ hay hạnh phúc cũng xuất phát từ ý niệm tương tác của vô số nội ngoại duyên. Niềm tin vào cuộc sống và niềm tin vào những sự sống xung quanh chính là yếu tố quan trọng để mẹ thực hiện hoàn thành thiên chức của mình, thiên chức làm mẹ. Mẹ như đất. Mẹ là sự sống. Mẹ như đất chính là nơi dung chứa mọi cặn bã, tốt xấu. Mẹ là sự sống nghĩa là từ nơi đây tất cả đều trưởng thành và thành tựu, không có lựa chọn, không có phân biệt và không có ý niệm từ khước dù chỉ trong ý niệm.
***
Sự bình an và thanh thản để mẹ thực hiện được thiên chức của mình và hoàn thành được một chuyến đi, chính là sự nhận thức nếu không có sự ràng buộc thì sẽ không có tự do, không có trách nhiệm trong mối tương duyên thì không có trật tự trưởng thành của một kiếp sống và không có đích đến của nó. Tựa như con người không thể thực hiện được lý tưởng của mình khi không có tác động của hoàn cảnh xung quanh và không có khát khao sáng tạo.
Lời nói của bà chính là động lực để mẹ thực hiện được những gì là sự thật lập lại và không bước ra khỏi nguyên lý của nó, nếu muốn thành tựu mọi sở nguyện trong cuộc sống. Chuyến đi của mẹ là hình ảnh của con thuyền đi giữa đại dương bao la. Bánh lái chính là niềm tin vững chắc vào những điều tốt đẹp từ cuộc sống mang lại.
Huệ Giáo

Monday, August 22, 2011

" Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc!"

 " Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc!"

Con thấy mình kém may mắn vì chỉ được làm con của mẹ 20 năm, còn nhiều thứ con cần mẹ dạy lắm, nhưng mẹ đi rồi con phải cố học một mình thôi.

Chợt nhớ ra hôm nay là ngày 20 tháng 12 âm lịch, đáng lẽ ra mình phải nhớ ngày này, nhưng mẹ ơi con xin lỗi, con không về nhà kịp để đi tảo mộ mẹ rồi. Con cứ mãi loay hoay với mấy chồng sách vở cuối năm nên quên mất ngày này năm trước, ba với mấy chị em con cùng nhau tảo mộ cho mẹ. Con biết con không về ở nhà đã có ba và em lo, nhưng thấy mình đáng trách quá! Mẹ đừng giận con nhe!

Đã 2 năm rồi con không được gặp mẹ, con nhớ mẹ nhiều lắm! Thỉnh thoảng đâu đó trong giấc mơ con được gặp mẹ mấy lần nhưng mơ hồ quá mẹ ạ. Con biết nói ra điều này mẹ nghe được sẽ không vui nhưng thật sự là từ ngày không có mẹ tới giờ, dù nhà mình ai cũng cố gắng sống thật mạnh mẽ nhưng không ai sống thật tốt cả. Cuộc sống như rẽ sang một con đường khác.

Mẹ ra đi để lại một khoảng trống quá lớn, để rồi mỗi khi nghe ai đó hát bài “Bông hồng cài áo” con lại khóc một mình. Nhưng hãy cứ yên tâm đi mẹ, nhà mình ai cũng biết suy nghĩ để làm sao đi đến cuối con đường đó thật trọn vẹn, vì biết bên cạnh mình luôn luôn có mẹ mà.

Con thấy mình kém may mắn vì chỉ được làm con của mẹ 20 năm, còn nhiều thứ con cần mẹ dạy lắm, nhưng mẹ đi rồi con phải cố học một mình thôi.

Con đã lớn lên bên mẹ từ những ngày cuộc sống gia đình mình còn rất cơ cực, con phải một buổi đi học một buổi về nhà dệt chiếu với mẹ để có đồng ra đồng vào. Xóm mình là xóm chiếu mà, rồi cũng từ ngày đó mỗi lần đi đâu xa về nhìn thấy người ta phơi chiếu ngoài đường con lại nhớ mẹ vô cùng. Những ngày khó khăn ấy bây giờ nhớ lại con không biết mẹ con mình đã vượt qua như thế nào nữa, vất vả nhưng vui lắm đúng không mẹ. Con cám ơn mẹ đã dạy cho con giá trị của cuộc sống trong những ngày tháng không thể nào quên được đó, muốn sung sướng bản thân con phải biết nỗ lực.

Nhưng con vẫn là một đứa con bất hiếu mẹ à, con không ngoan như chị Hai nên đôi khi con làm mẹ buồn, có lần đó con đã làm mẹ khóc. Chuyện đó, mỗi khi nhớ lại, lòng con lại quặng đau, đau lắm mẹ ơi. Con xin lỗi! 

Và con của mẹ bây giờ đã lớn, lớn hơn rất nhiều kể từ ngày con và mẹ xa nhau. Bản thân con sẽ tiếp tục cố gắng, vì gia đình mình và vì bản thân con. Con cám ơn những ngày tháng cần lao của ba mẹ đã nuôi chị em con khôn lớn. Con yêu gia đình mình, đó sẽ mãi là điểm tựa vững chắc cho con và vì nơi đó có mẹ.

Con đang ở đây, sắp tốt nghiệp đại học và ấp ủ một giấc mơ du học. Một điều gì đó thật đẹp đang đến với con, nhưng con cũng thấy lo lắng lắm. Mà có sao đâu, những lúc như thế con lại nghĩ đến mẹ, vì con biết ở bên kia thế giới mẹ vẫn luôn dõi theo và ủng hộ con, đúng không mẹ.

Tết sắp đến rồi, cái tết thứ 2 nhà mình không có mẹ. Con mong ở nơi nào đó trên thiên đường mẹ luôn được bình an!
Mẹ ơi! Rồi một ngày nào đó, con cũng sẽ có con. Con hy vọng mình sẽ là một người mẹ tốt như mẹ vậy.
Con thương và nhớ mẹ nhiều lắm! Thân gửi mẹ của con và những ai đang còn mẹ!

“Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc !”

Wednesday, August 17, 2011

Phân biệt giữa yêu và thích





Phân biệt giữa yêu và thích

Người bạn thích và người bạn yêu

Đứng trước người mà bạn THÍCH, TIM của bạn sẽ ĐẬP NHANH HƠN.
Nhưng khi đứng trước người bạn YÊU, bạn sẽ chỉ cảm thấy VUI HƠN.

Nếu đứng trước người mà bạn YÊU, thì mùa ĐÔNG sẽ như mùa XUÂN.
Còn khi đứng trước người bạn THÍCH, mùa ĐÔNG chỉ ĐẸP HƠN.

Nếu bạn nhìn vào mắt người bạn THÍCH, bạn THẸN THÙNG
Nhưng nếu nhìn vào mắt người bạn YÊU, bạn sẽ MỈM CƯỜI.

Ở trước mặt người bạn THÍCH, bạn không thể NÓI NHỮNG GÌ MÌNH NGHĨ.
Nhưng nếu ở trước mặt người bạn YÊU, thì bạn hoàn toàn CÓ THỂ NÓI.

Khi đứng trước người bạn THÍCH, bạn bắt đầu cảm thấy NGƯỢNG.
Nhưng trước người bạn YÊU, bạn có thể "SHOW YOUR OWN SELF".

Bạn sẽ không thể nhìn thẳng vào mắt người mà bạn THÍCH.
Nhưng bạn sẽ luôn mỉm cười khi nhìn vào mắt người bạn YÊU.

Khi người mà bạn THÍCH khóc, bạn sẽ lập tức an ủi
Nhưng khi người mà bạn YÊU khóc, bạn sẽ khóc cùng người ấy.

Những cảm giác về sự THÍCH thường bắt nguồn từ cái TAI. Nhưng những cảm nhận về TÌNH YÊU lại hay bắt đầu bằng ĐÔI MẮT. Cho nên khi bạn không còn THÍCH ai đó nữa, thì tất cả những gì bạn cần làm là chỉnh lại đôi tai của mình.

Nhưng nếu bạn không còn YÊU ai đó nữa, và mỗi khi bạn nhắm mắt thì TÌNH YÊU lại trở lại trên những giọt nước mắt và mãi mãi đọng lại trong TRÁI TIM của bạn.

Bạn sẽ không tìm thấy được người lý tưởng nếu bạn có thể sống với người đó. Nhưng bạn đã tìm được một người lý tưởng nếu bạn không thể sống thiếu người đó.

ST.

Nếu bạn vẫn còn tự hỏi, mình đã yêu chưa, hãy cùng Tâm tìm hiểu mình thêm nhé!

Phải chăng là khi tim bạn đập nhanh, lòng bàn tay bạn ướt đẫm mồ hôi, giọng nói bạn phải chạy theo mới có thể bắt kịp với nhịp đập trái tim nơi lồng ngực?

Đó chưa phải là yêu... chỉ là THÍCH

Phải chăng là bạn không thể giữ cho mắt và tay bạn rời khỏi họ?

Đó chưa phải là yêu... chỉ là SỰ THÈM MUỐN. .

Phải chăng là bạn luôn hãnh diện và háo hức muốn khoe họ với mọi người vì họ rất tuyệt?

Đó chưa phải là yêu... chỉ là MAY MẮN.

Phải chăng là bạn cần họ vì bạn biết họ đang có mặt bên bạn?

Đó chưa phải là yêu...Bạn cảm thấy như vậy, bởi vì bạn đang CÔ ĐƠN.

Phải chăng bạn ở bên cạnh họ vì đó là điều họ muốn?

Đó chưa phải là tình yêu... chỉ là LÒNG TRUNG THÀNH.

Phải chăng là bạn ở bên họ vì vẻ bề ngoài của họ làm cho tim bạn đập nhanh hơn một nhịp?

Đó chưa phải là yêu... chỉ là SỰ MÊ MUỘI.

Phải chăng là bạn tha thứ mọi lỗi lầm của họ vì bạn wan tâm họ?

Đó chưa phải là yêu... đó là TÌNH BẠN.

Phải chăng là khi bạn nói với họ rằng họ là người duy nhất bạn nghĩ tới?

Bạn không yêu họ rùi vì... bạn đã NÓI DỐI.

Phải chăng là bạn cho họ những thứ bạn thích vì lợi ích của họ?

Đó chưa phải là tình yêu... chỉ là LÒNG THẢO.

THẾ NHƯNG........

Khi tim bạn vỡ vụn và đau nhói những lúc họ buồn...

Đó mới là YÊU.

Khi những người khác dù có thu hút bạn, nhưng bạn vẫn ở lại bên cạnh họ một cách không hối hận....

Đó mới là YÊU.

Bạn chấp nhận lỗi lầm của họ vì bạn biết đó là một phần tính cách của họ....

Đó mới là YÊU.

Khi bạn khóc vì những nỗi đau của họ, dù là nhiều lúc đối với những nỗi đau đó, họ còn cứng cỏi hơn bạn nữa.....

Đó mới là YÊU.

Khi bạn cảm thấy ánh mắt họ như nhìn thấu tim bạn, chạm vào tâm hồn bạn một cách sâu sắc đến đau lòng.....

Đó mới là YÊU.

Phải chăng bạn bằng lòng đưa trái tim, cuộc đời, sự sống cho họ chứ?

Nếu có thì đó là YÊU.

Hãy thật lòng khi nói câu "Anh yêu em"/ Em yêu anh! (Chỉ khi thực sự bạn cảm nhận từ sâu thẳm trái tim mình điều đó)


Bạn biết mình yêu khi:

- Khi người ấy đang có mặt ở đây mà bạn giả vờ thờ ơ rồi khi người ấy vắng mặt, bạn lại bắt đầu đi tìm kiếm. Lúc đó, bạn đã yêu...

- Mặc dù xung quanh bạn có nhiều người luôn khiến cho bạn cười nhưng ánh mắt và sự chú ý của bạn chỉ luôn hướng về người ấy. Lúc đó, bạn đã yêu...

- Mặc dù người ấy đã gọi điện về thông báo rằng máy bay hạ cánh an toàn nhưng không ai trả lời điện thoại. Bạn vẫn luôn chờ đợi cuộc gọi ấy. Lúc đó, bạn đã yêu...

- Bạn luôn thích thú với một Email ngắn ngủn từ người ấy mà lờ đi những email thật dài của nhiều người khác. Lúc đó, bạn đã yêu...

- Khi bạn thấy mình không thể xóa đi tất cả những mẩu tin trong Inbox hay trong Send Items chỉ bởi vì một email từ người ấy. Lúc đó, bạn đã yêu...

- Khi bạn có một cặp vé đi xem phim. Điều đầu tiên bạn nghĩ đến là sẽ cùng đi với người ấy. Lúc đó, bạn đã yêu...

- Bạn luôn tự nhủ rằng "người ấy chỉ là bạn thôi" nhưng bạn nhận ra mình không tránh khỏi sự thu hút của người ấy. Lúc đó, bạn đã yêu...

- Khi bạn đọc những dòng chữ này, nếu có ai đó xuất hiện trong đầu bạn.Lúc đó, bạn đã yêu ... và đã yêu người ấy..




TÌNH YÊU CÓ MUÔN VÀN ĐIỀU KỲ DIỆU
VÀ TRONG MUÔN VÀN ĐIỀU KỲ DIỆU CÓ TÌNH YÊU.

Tuesday, August 16, 2011

Lời thì thào của hạnh phúc…


Lời thì thào của hạnh phúc…


Tác Giả: Hồng Quang   

 Hạnh phúc là chân lý tối thượng của cuộc sống
Có lẽ khi gặp một người chưa quen, nói chuyện được vài câu, bạn sẽ ngớ người ra nếu đột nhiên người đó chợt hỏi bạn như thế này, sau một lúc trầm ngâm: “Này, thật ra bạn có hạnh phúc không?”.

 Gương mặt rạng ngời biểu lộ một hạnh phúc vô bờ.(Photo courtesy: AP)
Hạnh phúc là chân lý tối thượng của cuộc sống, là cái mà mọi con người trong thâm tâm, dù ý thúc hay vô thức, đều đi tìm. Và nhân loại cứ …đi tìm mãi từ bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp và cứ ngẩn người ra mà ngạc nhiên, nếu đột nhiên một ngày kia có người vụt hỏi: “mà này, bạn có hạnh phúc không?”.
Nhất là trong cuộc sống ngày nay, câu hỏi này thuộc loại…hơi lạ, vì cuộc sống không cho phép ta tự tra vấn kiểu đó. Hạnh phúc là..cái quái gì cơ chứ, mà phải viết hàng đống sách về nó, phải thuyết giảng về nó, phải lên đường đi tìm nó và phải hỏi về nó khá lẩm cẩm như thế.
Có một người đã thì thào rất ngộ như sau: “Hạnh phúc ư? Này, sáng nay lúc ngồi vào xe, sau tay lái, bạn hãy để ra đúng một phút, đừng chú ý gì hết, cứ chậm rãi thở ra vào thật nhẹ nhàng, xem cái gì nổi lên trong óc mình, cứ quan sát nó, bình tĩnh thở nhẹ, rất sáng suốt tỉnh giác, rồi chú ý mở máy xe, nghe tiếng nổ quen thuộc, mỉm cười nhẹ, thở nhẹ ra vào và sang số và nhẹ nhấn bàn ga. Chú ý quan sát từng cảnh vật trước mặt, nhìn mà không nghĩ ngợi gì, bạn lái xe đi làm như thế đi, một cách nhẹ nhàng tỉnh táo, bạn sẽ được hạnh phúc trong ngày đó”.
Trong lúc chờ đợi bạn có thể “ngộ” được hạnh phúc nằm trong cái ngay bây giờ, không có quá khứ và tương lai, không có thời gian tâm lý lẫn vật lý, chỉ có quan sát “cái gì diễn ra ngay lúc này, tại đây” và là người quan sát chính tư tưởng và các phản ứng tâm lý của mình, thì vẫn có những lời khuyên cho bạn được hạnh phúc (một cách tương đối chốn nhân gian).
Nhà tâm lý học Sonja Lyubomisky của California nói: “Vấn đề cốt lõi là ‘liệu chúng ta có thể hạnh phúc hơn được không?’. Cho dù khoa học đã chứng minh hạnh phúc phần nào gắn liền với di truyền, song vẫn có những cách hành xử đầy quyết tâm khiến con người có thể thấy an lòng thư thái hơn”.
Đầu tiên là lòng biết ơn. Người biết ơn chân thành bao giờ cũng thấy phúc lạc kéo dài đối với người mình đã thọ ơn. Chỉ cần viết xuống những dòng bày tỏ mình được giúp và xúc động ra sao cũng đã tạo hạnh phúc ấm cúng rồi.
Sau đó là tính khí lạc quan. Một thí dụ cho thấy lạc quan rất quan trọng: một số người tham gia thí nghiệm được yêu cầu vẽ ra một viễn cảnh lạc quan, thí dụ cuộc sống tươi đẹp với người mình yêu thương hay tìm đưọc một việc làm ưa thích. Chỉ một vài tuần sau, những người này nói họ thấy cảm giác tươi tỉnh (well-being) tràn ngập và kéo dài. Dĩ nhiên nếu bạn là kẻ “bi quan cố hữu” thì bạn khó làm được việc này.
Hãy viết xuống những chuyện tich cực và bỏ qua những lặt vặt nhỏ nhen của cuộc sống. Mỗi đêm trước khi ngủ hãy nhớ lại một việc tốt lành đã thực hiện được và sống lại cảm giác tuyệt vời khi làm được chuyện đó, nó sẽ giúp bạn đi vào giấc ngủ nhanh và thanh thản hơn.
Hãy phát huy sức mạnh nội tâm bằng các cách thức mới. Thí dụ bạn là người có đầu óc khôi hài, nên phát huy sở trường và làm người khác bật lên cười vui vẻ bằng những màn pha trò của mình, nhất là cho những kẻ hay rầu rỉ. Hạnh phúc lúc đó rất dễ lây lan vì tính cách thông cảm, một món quà lớn của thiên nhiên cho con người, đã được thiết lập mạnh mẽ.
Quan trọng hơn hết là sự tử tế. Hãy nói và làm những việc tử tế, bắt đầu từ các chi tiết nhỏ. Tử tế làm ấm mùa đông, xua đi gió lạnh, làm hạnh phúc người nhận và tạo vui vẻ đến người cho. Giúp đỡ thật tình, dù là chút tiền, chút thời gian, chút công sức, cũng mang lại hạnh phúc chân thật. Khi xem niềm vui của tha nhân là niềm vui của mình, người đó sống trong hiện tại phúc lạc và tử tế phát xuất từ họ tự nhiên như hơi thở.
Chỉ cần bạn nhớ điều này, bạn muốn hạnh phúc và xua đi sầu đau? Vậy thì đừng sống với quá khứ, đừng mộng tương lai, chỉ có cuộc sống ngay bây giờ là hiện thực hơn hết. Cái nét tích cực của người hạnh phúc là họ rất tỉnh táo và chú ý mạnh mẽ vào mọi việc đang xảy ra.
Bạn luôn muốn mình sẽ trở nên, thực hiện, bám lấy hay truy tìm kích thích mới? Bạn có tin là khi giàu có hơn, thu thập nhiều hơn bạn sẽ sung sướng và mãn nguyện bên trong? Hay bạn chờ một người đàn ông tuyệt với xuất hiện bạn mới hạnh phúc?
Đừng bạn ạ, hạnh phúc nằm ở đây, ngay lúc này, khi bạn bước vào xe, mở máy đi làm. Hôm nay bạn sẽ làm công việc “đã làm hàng triệu lần” này hoàn toàn với tâm thức mới. Bạn hãy thở nhẹ, hạy chú tâm quan sát, hãy tò mò, mở máy nhẹ nhàng, nhìn cảnh vật như thể mới nhìn lần đầu trong đời và lái xe đi mà không nghĩ ngợi gì, chỉ nhìn và quan sát mà thôi.
Bạn đang là người hạnh phúc đó…
Vì bạn là người thông minh

Đôi dép - Triết lý về hạnh phúc hôn nhân


Chương 1: Hạnh phúc gia đình
Ging ti khóa tu Một ngày an lạc, chùa Phổ Quang, ngày 19-10- 2008
Đánh máy: Nguyên Ngân và Thức
Tình 5 T
Trong nhiều năm thuyết giảng, thỉnh thoảng chúng tôi có cơ hội tư vấn hạnh phúc một cách bất đắc dĩ theo yêu cầu của Phật tử. Nhờ đó, chúng tôi đã đúc kết bản chất của một gia đình hạnh phúc lệ thuộc vào năm yếu tố, gọi là 5T: Tình, Tiền, Tâm, Thuận, Thương. Mỗi T đóng vai trò hỗ trợ cho hạnh phúc và khi hạnh phúc đã có mặt sẽ bền bỉ với các gia đình.
Tình yêu đóng vai trò quan trọng nhất. Nếu không có tình yêu thì có đến với nhau bằng hấp lực kinh tế hay vị thế xã hội, tuổi thọ của cuộc hôn nhân sẽ rất yểu.
Tiền mang tính chất hỗ trợ. Có tình yêu nồng nàn nhưng đời sống kinh tế vật chất nay đủ mai thiếu, thì sau một thời gian vẫn rơi vào tình trạng bị tổn thất.
Tâm được xem là quan trọng trong trường hợp đã có tình yêu và đời sống vật chất không quá chật vật. Sự hiểu biết, thương yêu, tôn trọng lẫn nhau giúp gia đình đó ngày càng hạnh phúc hơn.
Thuận tạo hàng rào vững chắc bao bọc cho gia đình. Trong các mối quan hệ với gia đình bên chồng, bên vợ thỉnh thoảng có những va chạm, xung đột. Nếu không có tâm hiếu hòa hay hiếu thuận thì rõ ràng sự đổ vỡ về một phía tạo sức ép cho người còn lại đứng giữa ngã ba đường phải chọn lựa. Cho nên chữ thuận trong đời sống vợ chồng rất quan trọng.
Thương là một phần của tình yêu. Tình thương ở đây được giới hạn giữa cha mẹ đối với con cái qua sự chăm sóc mà cả hai đều có vai trò và bổn phận ngang nhau.
Nội dung bài này, chúng tôi chỉ nhấn mạnh đến 4T đầu vì bản chất những đổ vỡ hạnh phúc gia đình liên hệ phần nào đến bốn điều vừa nêu. Bên cạnh đó còn có những kỹ năng truyền thông gia đình rất cần thiết cho việc bảo vệ hạnh phúc lứa đôi.
Chìa khoá truyền thông
Khi còn là người yêu của nhau, việc tìm hiểu và truyền thông trong giao tiếp là nhu cầu không thể thiếu. Nhờ đó tình yêu được chớm nở và phát triển thành hôn thú. Nhưng sau khi trở thành vợ chồng, rất nhiều người rơi vào tư tưởng không quan trọng sự truyền thông. Từ đó, tình yêu sau thời gian ngắn bị tắt lịm.
Một cặp vợ chồng, vợ là bác sĩ, chồng là kỹ sư. Cô bác sĩ rất giỏi bệnh lý trẻ em. Mỗi khi khám bệnh, cô đều dành thời gian tâm sự, hỏi han, hướng dẫn, vừa trị liệu tâm lý kết hợp trị liệu y học, cho nên bệnh nhân đến rất đông. Trong khi đó, người chồng lại ít nói, khó khăn trong truyền thông tình yêu của mình dành cho vợ. Suốt ngày anh vùi đầu vào máy tính. Sau khoảng ba tháng sống chung, tình cảm lạnh nhạt bắt đầu xuất hiện, mặc dù họ đã có với nhau hai mặt con. Hạnh phúc hôn nhân ngày càng mờ nhạt đến mức cả hai quyết định ly thân. Một căn nhà như hai thế giới. Bất ngờ một ngày người chồng bị tai nạn giao thông bán thân bất toại. Tình cảnh ly thân làm cho người vợ phải suy nghĩ. Vì tình nghĩa vợ chồng mà cô nỗ lực gắn kết, nhưng trong suốt một năm nuôi chồng ở bệnh viện, tình yêu vẫn không chớm nở lần thứ hai. Bảy năm sau tai nạn của người chồng, sự lạnh nhạt đó ngày càng đè nặng. Lẽ ra trong hoàn cảnh hoạn nạn, người ta dễ dàng đến với nhau, hâm nóng lại tình yêu. Nhưng vì người chồng khi tiếp nhận sự chăm sóc của vợ có thể nảy sinh tâm lý mặc cảm rằng mình là phế nhân, mọi sự chăm sóc phản ánh sự thương hại. Cảm nhận tình thương của vợ nhưng không thấy nó song hành với tình yêu, cho nên càng được chăm sóc nhiều chừng nào thì tự ái và sự xúc phạm cái tôi về phương diện tự trọng hay nói cách khác là bản ngã của người chồng làm tình yêu đó ngày càng lịm tắt.
Truyền thông là cơ hội trực tiếp giúp chúng ta truyền đạt dòng cảm xúc, thái độ, suy nghĩ với người đối diện, cụ thể trong trường hợp này là vợ hoặc chồng. Cho nên tầm quan trọng của nó không thể thiếu. Khi đến với nhau thông qua sự tìm hiểu, người ta thường ríu rít tâm sự. Nhờ kỹ năng tâm sự mà họ cảm thấy mình được thương yêu, được quan tâm, chăm sóc. Các nhà tâm lý khẳng định, người nữ yêu bằng tai, họ đánh giá tình cảm bằng cảm nhận truyền thông qua tai. Nhưng sau khi trở thành vợ chồng, rất nhiều người, đặc biệt là người nam rơi vào hội chứng “câm sau khi yêu”, họ không mạnh dạn hoặc gặp nhiều trở ngại trong việc truyền thông tình cảm của mình. Tình trạng đó làm cho người vợ bắt đầu bị tẻ nhạt, cảm giác tình yêu bắt đầu phai mờ.
Vụng về trong truyền thông có thể dẫn đến tình trạng biến cả hai trở thành nạn nhân. Nghiên cứu xã hội học cho chúng ta biết sự đổ vỡ và chiến tranh trong quan hệ vợ chồng không hoàn toàn do cả hai hiếu chiến mà còn do một trong hai người quá kiệm lời trong giao tiếp. Nhiều người nam rơi vào chứng bệnh này, nhưng lại cho rằng đó là bản tính của mình mà không chịu nỗ lực tháo gỡ, tương nhượng với nhu cầu tình cảm của vợ. Đó là một sai lầm cần phải nhận diện và làm mới.
Truyền thông đòi hỏi phát xuất từ trái tim với nhận thức chân thành. Nghĩ gì thì nên mô tả biểu đạt đúng với dòng cảm xúc đó. Tuy nhiên nhiều người nữ lại không thích như thế, họ biểu đạt khác với những gì họ nghĩ vì ngại ngùng. Ví dụ nhu cầu được yêu thương đáng lẽ phải bày tỏ nhưng vì muốn chồng phải tự hiểu và đáp ứng khiến người vợ ngại ngùng không dám nói. Vì không bày tỏ nhu cầu nên khi thấy chồng thờ ơ vô tâm, nỗi khổ niềm đau bắt đầu trỗi dậy. Từ trạng thái ức chế tâm lý cho nên mâu thuẫn nhỏ va chạm nếu không điều chỉnh kịp thời sẽ trở thành vấn đề lớn. Truyền thông phải trực tiếp bằng ngôn ngữ rõ ràng, không nên nói bóng gió, hoặc mỉa mai.
Lắng nghe và chia sẻ
Lắng nghe là nhu cầu phát sinh khi một trong hai người bắt đầu phát ra ngôn ngữ nói về nhu cầu cảm xúc nhưng người kia không quan tâm. Do đó sự lắng nghe chính là năng lực trị liệu giúp nỗi đau lắng dịu phần nào. Chúng ta hãy học hạnh lắng nghe của bồ tát Quan Thế Âm khi người thân thương muốn truyền thông. Quát tháo, hay chặn đứng tất cả cơ hội phát ngôn, thậm chí hiểu lầm mà không cho người kia cơ hội giãi bày thì dần dần những ức chế tâm lý này làm đời sống tình yêu bị đốt cháy.
Lắng nghe cần song hành với quan sát để đi vào chi tiết của vấn đề, những tâm tư, suy nghĩ mà tìm ra giải pháp. Nếu chỉ lắng nghe một cách đơn thuần qua loa, chắc chắn người còn lại sẽ cảm thấy hụt hẫng dần dần rơi vào trạng thái lặng câm. Nói mà có người biết lắng nghe sẽ dẫn đến xóa bỏ hiểu lầm, khai thông được trạng thái cô đơn của người đang có nhu cầu truyền đạt thông tin tình cảm. Nói tạo phản ứng nghe, lúc đó nhu cầu trao đổi tâm tình và kéo theo sự gắn bó.
Trong đời sống vợ chồng, nếu không hề có sự trao đổi, mạnh ai nấy làm, tiền ai nấy giữ, không quan tâm để ý đến nhau thì trước sau gì đổ vỡ hạnh phúc là điều đương nhiên xảy ra. Tuy nhiên, trao đổi đó cũng phải đặt trên sự chia sẻ.
Bản chất của sự chia sẻ đòi hỏi nhiều yếu tố. Trước tiên là thời gian dành cho nhau. Nhiều cặp vợ chồng trẻ gặp khủng hoảng trong hạnh phúc hôn nhân bởi vì những đứa con thơ đòi hỏi quá nhiều sự chăm sóc làm cho cả hai không còn thời gian dành cho nhau nữa. Rốt cuộc tình yêu nồng thắm trở nên nguội lạnh. Do đó, tình yêu khi được quan tâm chia sẻ thì phải hướng đến những nhu cầu cần giải quyết và dành cho nhau không gian để tình yêu được duy trì và được nuôi lớn.
Chia sẻ cũng cần có chừng mực nhất định. Vợ chăm sóc chồng như đứa con trai dễ gây cho chồng cảm giác tự ti rằng mình mất hết nam tính lẫn cương vị trụ cột gia đình. Ức chế tâm lý này sẽ phá vỡ tình yêu mặc dù được chăm sóc rất kỹ. Cho nên trong thương yêu chăm sóc cũng cần có khoảng cách nhất định của đời sống riêng tư thuận theo luật pháp, đạo đức mà vẫn giữ được bản chất riêng. Còn nếu cả hai vợ chồng hòa với nhau làm một như lý thuyết thì điều kiện kéo dài tình yêu hạnh phúc đó không được bao lâu.
Tôn trọng sự riêng
Không nên can thiệp một cách thô bạo vào những công việc riêng mà nó không dính líu gì đến sự không chung thủy của cả hai. Nhờ có những không gian riêng nên mỗi lần gặp nhau, năng lượng thu hút giới tính làm giảm bớt tâm lý nhàm chán. Mối quan hệ về tâm lý luôn diễn ra theo thế: Cái gì thường xuyên quá sẽ trở nên nhàm chán. Tâm lý học phương Tây khuyên các đôi vợ chồng nên ngủ riêng sau những giờ phút bên nhau cả ngày để cảm giác gần nhau luôn là mới. Dĩ nhiên tâm lý học phương Tây khai thác yếu tố tham ái và tâm lý dính mắc của đời sống vợ chồng để duy trì và bảo hộ nó. Kết quả cho thấy không phải bất cứ đôi vợ chồng nào thực tập theo kỹ năng tâm lý vừa nêu cũng thành công, bởi vì tùy tình huống không ngủ chung dẫn đến sự đổ vỡ. Cho nên áp dụng kỹ năng tâm lý học phương Tây cũng cần hết sức thận trọng. Khai thác yếu tố dính mắc của tham ái để tăng trưởng hạnh phúc lứa đôi đôi khi gặp phản ứng tác dụng phụ.
Trong khi đó, đức Phật khuyên chúng ta thỉnh thoảng tách ly tham ái trong đời sống vợ chồng. Vào những ngày lễ vía, ngày văn hóa Phật giáo, vợ chồng nên phát nguyện giữ bát quan trai, trở thành người tu trong hai mươi bốn giờ đồng hồ. Sau đó, năng lượng về tình yêu, thông cảm, nhận thức, nâng đỡ nhau sẽ được vượt trội. Đây là yếu tố làm cho cả hai không quá đặt nặng khoái lạc giác quan để bị đắm chìm trên cơ sở so sánh đối chiếu vợ hoặc chồng mình với người khác hấp dẫn hơn.
Như vậy, kỹ năng giao tiếp vợ chồng đóng vai trò quan trọng như yếu tố dẫn khởi, nhưng không phải ai cũng thành công. Nếu một trong hai người không nỗ lực thay đổi cá tính trên nền tảng tương nhượng thì mâu thuẫn và xung đột ngày càng phát triển. Cho nên đạo Phật khuyên dạy chúng ta giải quyết căng thẳng trong xung đột do cá tính khác biệt là nguyên nhân chủ yếu.
Một đôi vợ chồng nọ chênh nhau mười hai tuổi. Họ gặp nhau tình cờ qua mai mối. Tình yêu sét đánh làm cho hai bên quyết định tiến tới hôn nhân mà không cần thời gian tìm hiểu cặn kẽ về nhau. Họ tổ chức kết hôn sau một tháng quen biết. Khi sống chung, cá tính bộc lộ khác biệt trời và vực. Người vợ chăm chỉ, tươm tất, đứng đắn. Còn ông chồng cẩu thả, vô tâm, vô lo. Sau thời gian chung sống, cuộc hôn nhân rơi vào khủng hoảng. Bên cạnh cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu diễn ra ảnh hưởng đến Việt Nam làm cho người chồng rơi vào cảnh thất nghiệp. Nỗi buồn cô đơn vì bất đồng cá tính và sự thất nghiệp dẫn lối người chồng đến với rượu để giải sầu. Mỗi đêm khi chồng trở về nhà, người vợ lại biểu lộ thái độ căm giận chồng vô trách nhiệm. Đôi lúc chồng ngủ say trong men rượu, người vợ đạp và đánh vào đầu cùng với những lời mắng nhiếc nặng nhẹ khác nhau. Cuối cùng, hai bên rơi vào tình trạng bạo lực gia đình. Nhưng sau mỗi lần bạo lực gia đình, họ lại thương yêu nhau đắm đuối.
Chúng ta thấy, giữa hai người quá khác biệt cá tính cũng dẫn đến sự xung đột. Nếu không giải quyết nhanh thì trạng thái trầm cảm, lãnh cảm bắt đầu phát sinh, tệ hại hơn là bạo lực gia đình. Do đó một trong hai người hoặc cả hai cần nỗ lực tích cực hơn. Quan niệm mình như vị bồ tát sinh ra trên cõi đời để làm những việc khó làm. Còn nếu nghĩ rằng mình là phận nữ cần được quan tâm chăm sóc, hoặc nếu là người chồng nghĩ rằng mình không có lỗi nên không cần phải xuống nước, thì sự khủng hoảng vì hai cái tôi va chạm nhau ở mức độ khá cao, dẫn đến không khí ngột ngạt trong đời sống vợ chồng. Đối với tình huống hành xử giữa hai bên tạo cảm giác không an và bất hạnh thì người còn lại phải nhận diện rằng đây là một khuyết điểm hay khác biệt cá tính. Từ đó bản thân thay đổi thái độ để thích ứng với cá tính của bạn đời, nếu cá tính này không làm thương tổn đến tình yêu ở mức độ rộng và sâu. Chấp nhận một cách tương đối như thế, chúng ta dễ dàng giữ và nuôi lớn được hạnh phúc. Còn lý tưởng hoá, tuyệt đối hoá, hay thần tượng hoá nhiều chừng nào thì sự tuyệt vọng tương đương chừng đó. Cũng không nên trách móc mà tạo cơ hội cho bạn đời sửa chữa khuyết điểm.
Là Phật tử, chúng ta nhận thức rõ sai lầm thuộc về bản chất của người phàm kẻ tục. Do đó, lúc nào tính cách của người phàm kẻ tục vẫn còn hiện hữu thì sự sai lầm vẫn diễn ra. Chúng ta có thể lấy mình làm thước đo rằng, có những lúc bản thân chúng ta cũng rơi vào những sai lầm, có thể nhẹ hơn, vi tế hơn nhưng chưa hẳn chúng ta là con người toàn diện. Ý thức tính tương đối của bản thân, chúng ta dễ dàng thông cảm cho những bất toàn hay khiếm khuyết của tha nhân, để không cường điệu và nhân rộng sự khác biệt giữa hai bên, từ đó dễ dàng hàn gắn hoặc song hành trong một sự tương đối nhằm thiết lập hạnh phúc.
Một vài tình huống căng thẳng xảy ra giữa hai vợ chồng trên quy luật vô thường. Chẳng hạn, một trong hai người mới mua vật nào đó rất đắt giá. Ấy thế mà người kia vì bất cẩn làm rơi vỡ. Người trân quý sở hữu vật chất này vì tiếc rẻ, bực tức và đau khổ có thể trút đổ cơn giận lên người thương của mình. Đối với tình huống này, chúng ta có thể thực tập quan niệm vô ngã sở hữu rằng mình chưa từng có vật sở hữu đó để dễ dàng tha thứ cho sự bất cẩn, thậm chí là cố ý của người thân, và để sự bất đồng nho nhỏ vì vô thường không làm sứt mẻ tình yêu ở mức độ nghiêm trọng hơn.
Hoặc những tình huống khác, chẳng hạn một trong hai người sơ ý làm mất tài sản chung được dành dụm bằng mồ hôi nước mắt. Ai quá quan trọng yếu tố tài chính trong đời sống hạnh phúc gia đình sẽ bắt đầu đay nghiến khó chịu. Mâu thuẫn nho nhỏ như thế có thể dẫn đến tình trạng bi đát. Lúc đó chúng ta nên thực tập phương pháp quán vô ngã sở hữu bằng cách nghĩ rằng “của đi thay người”. Tự an ủi bằng câu dân gian như thế mặc dù nó không phản ánh đúng bản chất nhân quả nhưng ít ra nó có năng lực giải phóng sự sân hận bực tức do chúng ta quá chú trọng đời sống vật chất.
Mở rộng tấm lòng
Kỷ năng này yêu cầu ta lấy tấm lòng rộng lượng làm thước đo. Trước nhất, đo hành vi của bản thân, sau đó đo lường người thương, nhưng không phải để xét nét, bắt bẻ, trách móc mà để có cơ sở cảm thông cá tính của người đó. Quan niệm này giúp chúng ta thực tập và ngày càng lớn mạnh lòng hỷ xả, khoan dung. Đừng tạo cho bản thân thói quen quan sát bạn đời bằng kính lúp. Để ý để tứ quá nhiều làm cho người kia cảm giác mình bị xoi mói, mất tự do cá nhân. Mặc dù được nhân danh tình yêu hay bằng sự chăm sóc thì cảm giác khốn đốn, không thoải mái sẽ làm cho người thương nảy sinh tâm lý bất cần, như vậy, sự quan tâm của chúng ta gặp phản ứng phụ ảnh hưởng tiêu cực đến tuổi thọ mối quan hệ nói chung. Cho nên, chúng ta cần có thái độ rộng lượng, đừng quá để ý. Đôi lúc tự xem mình như người mù, người điếc để không bị vướng vào mắt, chướng vào tai, từ đó thái độ hỷ xả bao dung sẽ làm cho tình yêu được phát triển một cách tích cực và tự nhiên.
Trong một số tình huống, sự so bì tính toán trở thành chướng ngại lực cho sự phát triển tình yêu. Đặt nặng cái tôi chính là nguyên nhân của thái độ so bì tính toán. Người đó có thể nghĩ rằng tình yêu dành cho mình phải là sự chăm sóc, đem đến điều kiện hưởng thụ vật chất tối đa. Việc tính từng cân, từng lạng sẽ làm cho cả hai bên không còn thương yêu nhau như thưở ban đầu.
Một anh thanh niên Việt kiều kết hôn với vợ nông thôn Việt Nam. Sau thời gian ngắn quen biết và nhiều hứa hẹn trợ cấp đời sống kinh tế từ anh thanh niên, hôn lễ diễn ra và họ định cư ở nước ngoài. Một năm chung sống, người vợ bị sụp đổ thần tượng hoàn toàn khi biết chồng mình là một người thất nghiệp. Thời gian về Việt Nam, anh chồng đã sẵn sàng bỏ ra một số tiền trợ cấp gia đình cô nhằm gây ấn tượng rằng anh là người giàu có và hào hiệp. Không ngờ qua sống chung với nhau, mơ ước về một nơi nương tựa vững chắc đã bị sụp đổ hoàn toàn.
Một khi tình yêu xuất phát từ khuynh hướng cung cấp cho những nhu cầu kinh tế, thì tình yêu đó sẽ cất cánh bay cao khi tài sản vật chất không còn. Cho nên sẽ là một sai lầm nếu chúng ta quá quan trọng vấn đề kinh tế trong tình yêu, vì tình không thể được mua bằng tiền. Tiền có thể mua các dịch vụ chăm sóc ở karaoke, quán bia ôm, hay lầu xanh nhưng không thể mua được trái tim yêu thương chân thành của người còn lại. Đến với nhau bằng bán tình hay mua tình thì sự đổ vỡ của nó là một thách đố hết sức nặng nề mà chúng ta không thể không quan tâm. Để thực tập hạnh hỷ xả khoan dung nếu một trong hai người có cá tính mà mức chu toàn về phương diện nhân phẩm thấp hơn người còn lại, thì chúng ta phải làm quen và thích ứng, để tạo ra tiến trình sống hoà bình. Chúng ta có thể cười xòa, không quan trọng hoá. Cần biết rõ, mỗi người đều có giới hạn về biệt nghiệp và bị ảnh hưởng cộng nghiệp của gia đình trong môi trường giáo dục, phong tục tập quán, tôn giáo suốt mấy chục năm qua. Bản thân chúng ta cũng có những giới hạn tương tự, thì việc yêu cầu người kia là một bản hoàn thiện về phương diện nào đó là một sai lầm. Hãy quan niệm về duyên khởi, tức là tương đối hóa sự tuyệt đối trong cuộc đời thì chúng ta sẽ không còn có những mong chờ hy vọng quá lớn, để khi chung sống không bị thất vọng quá nhiều.
Sống như vậy không có nghĩa là tiêu cực, an phận thủ thường, chấp nhận vận mệnh, mà là tạo cơ hội và phương tiện để giải phóng những ức chế và nỗi đau phát sinh từ cảm xúc tâm lý. Thay vào đó, chúng ta tìm những nguyên nhân, thay vì trách móc, chúng ta tìm những cơ sở để cảm thông và xác định rõ rằng việc cảm thông này tạo ra tính an ủi giúp người kia trở về bằng những nỗ lực động viên có phương pháp. Làm được như thế là chúng ta đang ứng xử như người thực tập bồ tát hạnh. Chăm sóc người vợ hay người chồng để họ ngày càng tốt đẹp hơn, đó là hành động đem lại hạnh phúc không phải chỉ cho cả hai mà cho cả con cháu.
Biết họ hàng hai bên
Mâu thuẫn va chạm trong gia đình không chỉ diễn ra giữa vợ và chồng mà đôi khi diễn ra giữa mẹ chồng nàng dâu hoặc mẹ vợ con rể. Người nữ thường có quan niệm khi đã kết hôn, hầu như tất cả tình thương, tình thân ruột thịt bên mình không còn mặn nồng mà đổ dồn cho chồng và những đứa con. Còn người chồng lại có khuynh hướng tâm lý không đổ dồn tất cả tình cảm cho vợ con bởi vì bên cạnh vợ con, anh ta còn có nhu cầu xã hội, tình bạn, công việc, danh vọng, chức tước... Hệ quy chiếu của tình yêu giữa nam và nữ khác biệt khá lớn. Nếu ứng xử thiếu khôn ngoan trong tình huống này sẽ dẫn đến mâu thuẫn nghiêm trọng.
Cũng có nhiều người vợ đặt nặng mối quan hệ tình thân phía mình, yêu cầu người chồng phải chu cấp và hỗ trợ kinh tế. Sau một thời gian trợ cấp, người chồng cảm giác nặng gánh trên vai. Cái mâu thuẫn nho nhỏ trong tình cảm dưới sức ép kinh tế và tài chính sẽ tạo ra bức xúc tâm lý rất lớn. Do vậy cả hai cần ý thức có một biên giới để tương nhượng lẫn nhau ở một mức độ phạm vi mà cả hai cần phải tôn trọng. Có nghĩa, đã là vợ chồng thì phải hiếu kính với cha mẹ ruột của hai bên, chứ không thể chỉ hiếu kính cha mẹ của riêng mình. Xử sự không khéo, gây mâu thuẫn với gia đình ruột thịt phía người bạn đời, vô tình sẽ đẩy người bạn đời của mình rơi vào tình thế khó xử khi phải chọn lựa giữa tình yêu và chữ hiếu. Ý thức được điều đó, chúng ta nên có một giới hạn nhất định.
Một đôi vợ chồng nọ, trước khi đến với nhau, cô vợ đã trải qua một đời chồng Đài Loan nhưng không có con vì người chồng lớn tuổi. Ông chồng Đài Loan thương yêu và chu cấp cho cô rất nhiều tiền vốn, mở cơ sở kinh doanh, mua nhà riêng cho cô. Sau khoảng ba năm, khi cô vợ đứng vững trên thương trường bắt đầu có cảm giác rằng mối tình mà mình đặt trọn trái tim không phải là tình yêu thật sự mà đó chỉ là mối tình kinh tế hóa.
Ngoài ra, người chồng Đài Loan cũng đã có vợ con ở nước sở tại. Mỗi năm, ông sang Việt Nam một vài tháng, cô vợ Việt Nam phải sống cô đơn bóng chiếc trong mười tháng còn lại. Cuộc sống cô đơn phát sinh nhu cầu có người bên cạnh. Không ngờ, anh chàng mà cô để lòng thương yêu lại là kẻ thất nghiệp. Vì năng lực và sức chịu đựng nghịch cảnh ở người chồng quá kém, nên bao năm chung sống mà người chồng vẫn thất nghiệp.
Sau đó cha mẹ chồng lại bệnh, người vợ lại rước cha mẹ chồng về ở chung với mình và mẹ ruột của mình. Người mẹ ruột cô lúc nào cũng quan niệm gia đình con rể như là những bệnh nhân. Sự có mặt của họ làm cho bà cảm giác rằng ngôi nhà của con gái bà là bệnh viện. Bà cảm thấy ngột ngạt, khó chịu, gây ảnh hưởng và sức ép tâm lý lớn đối với đứa con ruột của mình. Người vợ vì thương chồng nên thương luôn cả cha mẹ chồng nhưng tình thương hiếu kính với mẹ ruột cũng không thể để mất. Cho nên, mâu thuẫn đó tạo sự giằng xé trong tâm.
Trong những tình huống vừa nêu, người ứng xử cần hết sức khéo léo, nhập gia tùy tục. Tùy tục là thuận theo nền văn hoá và thói quen người bạn đời, nhưng cũng không vì thế mà làm mất đi văn hoá của gia tộc mà mình đã được sinh ra và lớn lên. Thay đổi thái độ, bớt đi quan niệm cái tôi quá lớn để làm hòa giữa hai bên. Đừng nảy sinh ý tưởng thay đổi gia đình bên vợ hoặc bên chồng, mà thay vào đó, chúng ta hãy thay đổi quan điểm và cách sống của mình để thích ứng. Cũng đừng quá xét nét sẽ làm người thân cảm thấy ngột ngạt. Nước trong veo thường không có cá, người xét nét nhiều sẽ không thể nào có tình thân huống hồ tình thương. Ứng xử cần phải tế nhị. Nếu không đủ điều kiện cho vợ chồng độc lập ở riêng, thì sự sống chung buộc chúng ta phải thay đổi quan điểm và thái độ. Bằng không, cứ mỗi ngày trôi qua, sức ép tâm lý ngày càng gia tăng.
Một đôi vợ chồng trẻ khác đến với nhau bằng tình yêu thật sự nhưng cha mẹ chồng không thừa nhận nàng dâu. Người con trai không muốn mất tình yêu cũng không muốn mất tình cảm cha mẹ ruột nên đã lặng lẽ đính hôn. Sức ép trong đời sống gia đình ngày càng gia tăng bởi vì trước kia anh con trai đưa về năm mươi phần trăm tiền lương cho cha mẹ ruột, nhưng bây giờ anh chỉ chu cấp ba mươi phần trăm. Cha mẹ anh tra hỏi nhiều cách nhưng anh vẫn cố giấu việc mình đã lấy vợ ở riêng. Anh luôn viện lý do đi công tác xa để ở cùng với vợ. Dần dà, cha mẹ phát hiện đứa con trai của mình đã đính hôn với người mà mình không chấp nhận. Tâm lý tức giận khiến cha mẹ anh ra phường xã yêu cầu làm thủ tục từ con.
Tình huống này tuy hiếm gặp, nhưng chúng ta thấy nỗi khổ niềm đau của người con trai này rất khó giải quyết. Chúng tôi đã khuyên anh giữ bản lĩnh và sức chịu đựng để cha mẹ mình dần dà chấp nhận con dâu. Bởi vì ít ra vợ anh cũng không phải là kẻ không chu toàn về đời sống đạo đức mà chỉ vì một thành kiến hay ác cảm giữa mẹ chồng nàng dâu trong lần gặp gỡ đầu tiên.
Nếu bậc cha mẹ ứng xử bằng lăng kính quá khứ thì đôi khi có thói quen lấy bản thân mình và đời sống hạnh phúc hôn nhân của mình làm hệ quy chiếu, áp đặt con dâu phải là một bản sao của chính mình trong quá khứ. Càng muốn con trai mình hạnh phúc nhiều chừng nào thì yêu cầu và tiêu chí đặt cho người dâu càng tăng tỷ lệ thuận theo chừng đó. Làm như thế là gây sức ép lớn cho con trai mình. Bậc cha mẹ cần nhận diện rõ cuộc sống chung lâu dài chỉ diễn ra với vợ chồng của con cái mà không ảnh hưởng gì đến mình. Nếu vì thương yêu quá mức mà không tạo điều kiện tự lập cho con cái, vô hình chung chúng ta cứ tưởng mang đến niềm vui nhưng kỳ thực lại gây không khí ngột ngạt cho hạnh phúc tình yêu của chúng.
Thái độ tôn trọng, tấm lòng chân thành của người con để có được trái tim cởi mở, nhận thức thoáng rộng từ gia đình ruột và họ hàng phía người bạn đời sẽ làm giảm tình trạng xung đột, hoặc đổ vỡ ở mức độ nghiêm trọng. Sự xung đột đó có thể được khoanh vùng ở mức độ tương đối.
Kỹ năng này là nghệ thuật xử lý trong tình huống không còn sự lựa chọn nào khác là phải sống chung với gia đình nhà chồng hay nhà vợ. Đôi lúc chúng ta cũng không nên quan trọng hóa những chỉ trích, ứng xử thậm chí sỉ vả, mắng nhiếc, chửi bới; ức chế tâm lý đó mới được vượt qua, vì tình thương yêu giữa vợ và chồng mới chính là yếu tố quan trọng. Chúng ta ở đời với vợ hoặc chồng chứ không phải cha mẹ chồng hay cha mẹ vợ. Mâu thuẫn đó chỉ mang tính tương đối về thời gian từ vài năm cho đến vài chục năm khi cha mẹ còn sống. Ứng xử như thế chúng ta không những không gây sức ép mà còn có thể khéo léo khôn ngoan tìm cách giải quyết các vấn nạn phát sinh trong quan hệ tình yêu giữa vợ và chồng.
Tóm lại, bốn kỹ năng trên có giá trị hỗ trợ trị liệu tâm lý và xử lý tình huống một cách có nghệ thuật. Bài kinh 109, thuộc Kinh Trung Bộ, cũng nêu ra khái niệm “tiệp tuệ” và “lợi tuệ” rất cần thiết để áp dụng. “Tiệp tuệ” và “lợi tuệ” là hai năng lực xử trí thích hợp với tình huống sáng suốt trong ứng xử, nhạy bén trong cách thức giải quyết vấn đề để những điều diễn ra ngoài ý muốn không làm cho nỗi khổ niềm đau trỗi dậy. Người có khả năng tiệp tuệ sẽ rất khôn ngoan biến nghịch cảnh trở thành thuận duyên, xem tất cả những trở ngại như lửa thử vàng, tâm tính trưởng thành ngày nhiều hơn. Không có năng lực tiệp tuệ thì trong nghịch cảnh, chúng ta dễ than trời trách đất, đổ lỗi cho số phận, cường điệu hóa khổ đau.
Trong khi đó lợi tuệ là phản ứng nhanh chóng không hề kéo theo bất kỳ phản ứng tác dụng phụ nào giữa ta và những người đối tác trực tiếp. Ứng xử khôn ngoan giúp tạo sợi dây hòa thuận giữa bên vợ hoặc bên chồng, đó là yếu tố trong nền văn hóa phương Đông đặc biệt là Việt nam khó có thể tránh khỏi. Xã hội phương Tây khi đến tuổi thành niên, người ta đã có cơ hội sống biệt lập, cho nên sự giao lưu tiếp xúc bên vợ hoặc bên chồng chỉ dừng lại ở nghĩa cử giao tế vào những ngày sinh nhật hoặc lễ tết. Do đó mâu thuẫn này không phải là một thách đố lớn. Chúng ta thích ứng bằng cách làm quen và không để ý tới những gì tạo nỗi khổ niềm đau cho cả hai. Được như thế thì giá trị hạnh phúc gia đình sẽ đảm bảo và kéo dài ở mức độ tương đối. Bằng không, tình yêu đó sẽ chóng phai nhòa và bản chất của hạnh phúc qua đó cũng bị mất ý nghĩa.
Muốn có hạnh phúc lâu dài, chúng ta phải sống có nghệ thuật. Không phải chỉ có tình yêu giữa hai trái tim là đủ, không phải đời sống vật chất sung túc là có thể kéo dài được hạnh phúc trong hôn nhân. Không phải chỉ quan hệ giao tế với nhau là có thể trưởng thành được hạnh phúc. Mà chúng ta cần trang bị những kỹ năng giao lưu, thể hiện, giải quyết để duy trì nó đẹp như thời gian ban đầu đến với nhau.

Phụ Nữ Việt Nam Qua Ca Dao

Phụ Nữ Việt Nam Qua Ca Dao

Khi đề cập đến phụ nữ Việt Nam, ai ai cũng đều thừa nhận rằng từ ngàn xưa cho đến nay họ là những người đàn bà dịu hiền, thùy mị, đoan trang, đảm đang, trung trinh tiết hạnh, giàu lòng hy sinh. Trong gia đình thì hiếu thảo với cha mẹ, tảo tần lo cho chồng con, ra ngoài là những bậc anh thư liệt nữ. Chính những đức tính đẹp nầy đã nâng cao phẩm giá của người phụ nữ Việt Nam:

Phụ nữ Việt Nam trung trinh tiết hạnh,

Trang điểm cuộc đời muôn cánh hoa thơm.
Ra ngoài giúp nước, giúp non,
Về nhà tận tụy chồng con một lòng.

Trong suốt chiều dài của dòng lịch sử và chiều sâu của lòng dân tộc, phụ nữ Việt Nam đã liệt oanh viết nên những trang sử vàng son làm vẻ vang giống nòi như Bà Trưng, Bà Triệu; nữ tướng Bùi Thị Xuân của Quang Trung; Cô Giang, Cô Bắc của Việt Nam Quốc Dân Đảng... Còn về thi văn, ta có Bà Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan, Bà Hồ Xuân Hương, Bà Sương Nguyệt Ánh... đều là những nữ sĩ tài hoa, nức

tiếng trên văn đàn, là những cánh hồng tươi thắm trong vườn hoa văn học. Ngoài ra, còn có biết bao nhiêu phụ nữ Việt Nam khác sống một cuộc sống bình thường, thầm lặng nơi thôn trang, xóm làng mà những nét đẹp về tâm hồn của họ được dân gian ca tụng bằng những áng văn, những vần thơ, điệu hát, câu hò hay qua những vần ca dao phong phú.
Đề cập đến văn chương, chúng ta không thể nào bỏ qua nền thi ca bình dân mà ca dao là một trong những thể loại quen thuộc nầy. Từ lâu, ca dao đã đi vào lòng dân tộc và lạc vào rừng ca dao của kho tàng văn học, ta sẽ bắt gặp hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam qua những đức tính cao quý của họ:

Nói đến phụ nữ Việt Nam, trước hết phải nói đến lòng hiếu thảo đối với mẹ cha và tiết hạnh đối với bản thân. Không phải chỉ có một nàng Kiều của cụ Nguyễn Du mới biết báo hiếu mà bất cứ người con gái Việt Nam nào cũng đều nhớ đến ơn sinh thành, công lao nuôi dưỡng bao la của đấng song thân:


Công cha như núi Thái Sơn,

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ, kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

Đó là đối với cha mẹ, còn đối với bản thân thì:


Trai thời trung hiếu làm đầu,

Gái thời tiết hạnh làm câu trao mình.

Người phụ nữ Việt Nam, ngay từ lúc còn ẵm ngửa cho đến khi biết lật, biết bò lớn dần trong nhịp võng đưa qua tiếng hát của bà ru cháu, mẹ ru con, chị ru em:


Nhà Bè nước chảy chia hai,

Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về.

Hay qua điệu hát ầu ơ:


Ầu ơ... Bao giờ Chợ Quán hết vôi,

Thủ Thiêm hết giặc, em thôi đưa đò.
Bắp non mà nướng lửa lò,
Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm.

Hoặc qua điệu ru ạ ờ:


Ạ ờ... Cái ngủ mày ngủ cho lâu,

Mẹ mày đi cấy đồng sâu chưa về.
Bắt được con cá rô, trê,
Tròng cổ lôi về cho cái ngủ ăn...

Những vần ca dao mộc mạc, bình dị đã đưa em bé gái Việt Nam vào giấc ngủ an bình và từ ngày nầy qua ngày khác, tiếng ru lắng đọng, thẩm thấu vào tiềm thức của em bé nên sau nầy lớn lên thành chị, thành mẹ, thành bà lại hát để ru em, ru con, ru cháu theo nhip võng đưa kẽo kẹt đều đều.


Hát ru em, hát ầu ơ, ạ ờ là một điệu hát thông dụng được phổ biến từ thôn xóm, làng mạc cho đến thị thành. Hát ru em là một bản trường ca bất tận của kho tàng văn chương Việt Nam. Vào những buổi trưa vắng lặng hay những đêm khuya yên tĩnh, cùng với tiếng võng đưa, giọng hát ầu ơ, ạ ờ dịu dàng, trìu mến của bà, của mẹ, của chị vang mãi trong lòng đứa trẻ ấu thơ. Tiếng võng đưa kẽo kẹt đều đều cùng

với tiếng hát đã văng vẳng từ bao thề hệ trên đất nước Việt Nam theo dòng sinh mệnh của dân tộc. Trải qua bao nhiêu thế hệ, trong mọi gia đình, nghèo cũng như giàu, cái nhịp đều đều của tiếng võng đưa không bao gời dứt. Không có người Việt Nam nào không từng hơn một lần nằm võng và tiếng võng đưa hòa cùng tiếng trẻ khóc, tiếng hát ru đã trở thành điệu nhạc muôn đời của dân tộc ta.

Thấm thóat, em bé gái Việt Nam nho nhỏ ngày nào nay đã lớn dần và có thể giúp đỡ mẹ những công việc lặt vặt. Một đôi khi lầm lỗi trong công việc bị mẹ quở mắng hay đánh đòn, em không bao giờ dám oán trách mẹ. Nếu bị quở mắng thì nhỏ nhẹ rằng:


Mẹ ơi đừng mắng con hoài,

Để con bẻ lựu, hái xoài mẹ ăn.

Còn nếu bị đánh đòn, nàng chỉ thỏ thẻ:


Mẹ ơi đừng đánh con đau,

Để con bắt ốc, hái rau mẹ nhờ.

Theo thời gian, cô bé Việt Nam bây giờ đã trở thành thiếu nữ dậy thì, trước khi lấy chồng, một đôi lúc ngồi nhìn những hạt mưa rơi, nàng nghĩ vẩn vơ:


Thân em như hạt mưa rào,

Hạt sa xuống giếng, hạt vào vườn hoa.

Hay bâng khuâng tự hỏi:


Thân em như tấm lụa đào,

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.
Ngồi cành trúc, tựa cành mai,
Đông đào, tây liễu biết ai bạn cùng?

Đến tuổi dậy thì, phụ nữ Việt Nam trổ mã, đẹp dần lên. Mỗi nàng một vẻ đẹp riêng, người thì đẹp qua đôi mắt, người khác đẹp ở mái tóc, có cô đẹp qua nụ cười, cô khác đẹp bằng hai má lúm đồng tiền, có người đẹp với chiếc eo thon thon, dáng đi yểu điệu, có người đẹp trừu tượng qua tâm hồn... Tóm lại, mỗi người một vẻ để làm rung động hay làm xao xuyến con tim của người khác phái.


Những phụ nữ có đôi mắt lá răm, lông mày lá liễu được ca dao khen rằng:


Những người con mắt lá răm,

Lông mày lá liễu đáng trăm quan tiền.

Hay những người có làn da trắng nõn, má lại hồng hồng, môi đỏ thắm:


Ai xui má đỏ, môi hồng,

Để anh nhác thấy đem lòng thương yêu.

Đã đẹp mặt mà còn đẹp về vóc dáng nữa thì “chim phải sa, cà phải lặn” cho nên những phụ nữ có chiếc eo thon thon:


Những người thắt đáy lưng ong,

Đã khéo chiều chồng lại khéo nuôi con.

Mái tóc cũng đóng vai trò quan trọng trong việc trang điểm vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam:


Tóc em dài em cài bông hoa lý,

Miệng em cười anh để ý anh thương.

Mái tóc dài, đẹp còn làm xao xuyến lòng người:


Tóc đến lưng vừa chừng em bới,

Để chi dài bối rối dạ anh.

Nụ cười là nét duyên dáng, nét quyến rũ của người phụ nữ. Từ xưa cho đến nay có rất nhiều đàn ông đã chết vì nụ cười của phái đẹp:


Trăng rằm mười sáu trăng nghiêng,

Thương em chúm chím cười duyên một mình.

Cũng thế, ta thường nghe ai đó ngâm hai câu ca dao:


Nàng về nàng nhớ ta chăng,

Nàng về ta nhớ hàm răng nàng cười.

Và ca dao cũng không quên ca tụng nét đẹp tâm hồn của phụ nữ Việt Nam:


Chim khôn hót tiếng rảnh rang,

Người khôn ăn nói dịu dàng dễ thương.

Phụ nữ Việt Nam vốn cháu con Quốc Mẫu Âu Cơ, dòng dõi tiên nên nhu mì, thùy mị được tiếng là đẹp, rất đẹp, nhất là trong chiếc áo dài tha thướt với vành nón lá che nghiêng nghiêng mái tóc xõa bờ vai. Có biết bao nhiêu chàng trai đã trồng cây si ở cổng trường Trưng Vương, Gia Long, Đồng Khánh, Sương Nguyệt Ánh, Bùi Thị Xuân... vì những tà áo dài thướt tha nầy và mái trường đã từng là chứng nhân của những mối tình đẹp tựa bài thơ, đẹp như đêm trăng huyền ảo. Trước cái đẹp

của phụ nữ Việt Nam, mấy ai thuộc phái nam đã không từng cất giấu trong tim một bóng hồng của thời yêu thương ướt át:

Một thương tóc bỏ đuôi gà,

Hai thương ăn nói mặn mà có duyên.
Ba thương má lúm đồng tiền,
Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua.
Năm thương cổ yếm đeo bùa,
Sáu thương nón thượng quai tua dịu dàng.
Bảy thương nết ở khôn ngoan,
Tám thương ăn nói lại càng thêm xinh.
Chín thương em ở một mình,
Mười thương con mắt đưa tình với anh.

Nét đẹp của phụ nữ Việt Nam còn làm cho trái tim nhà vua đập sai nhịp vì bị “tiếng sét ái tình”:


Kim Luông có gái mỹ miều,

Trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều, trẫm đi..

Dân tộc Việt Nam là dân tộc hiền hậu, hiếu hòa, cần cù nhẫn nại lại trọng đạo lý cho nên khi con cái vừa lớn khôn thì được gia đình, nhà trường, xã hội dạy những bài học luân lý về cung cách ở đời, ăn ở có nhân có nghĩa theo đạo lý làm người và phụ nữ Việt Nam cũng được giáo huấn:


Con ơi mẹ bảo con này,

Học buôn, học bán cho tày người ta.
Con đừng học thói điêu ngoa,
Họ hàng ghét bỏ, người ta chê cười.

Nhờ được giáo huấn cho nên phụ nữ Việt Nam đoan trang, thùy mị, nết na:


Sáng nay tôi đi hái dâu,

Gặp hai anh ấy ngồi câu thạch bàn.
Hai anh đứng dậy hỏi han,
Hỏi rằng cô ấy vội vàng đi đâu?
Thưa rằng tôi đi hái dâu,
Hai anh mở túi đưa trầu mời ăn.
Thưa rằng bác mẹ tôi răn,
Làm thân con gái chớ ăn trầu người.

Và xa hơn nữa:


Ở nhà còn mẹ, còn cha,

Lẽ đâu tôi dám nguyệt hoa cùng người.

Phụ nữ Việt Nam khi đến tuổi bước vào con đường yêu đương thì yêu nhẹ nhàng, kín đáo. Nhẹ nhàng đến nỗi tình yêu của nàng len lén len lỏi vào tim hồi nào mà chàng trai không hay:


Vói tay ngắt lấy cọng ngò,

Thương anh muốn chết giả đò ngó lơ.

E thẹn, giả đò ngó lơ, len lén ngó mà không dám ngó lâu là những cử chỉ yêu đương nhẹ nhàng, kín đáo rất dễ thương của người phụ nữ Việt Nam:


Ngó anh không dám ngó lâu,

Ngó qua một chút đỡ sầu mà thôi.

Nhưng khi đã yêu thì phụ nữ Việt Nam yêu một cách đứng đắn, yêu đậm đà, tha thiết với tất cả con tim mình:


Qua đình ghé nón trông đình,

Đình bao nhiêu ngói, thương mình bấy nhiêu.

Tình yêu của nàng còn sâu đậm hơn nữa:


Yêu chàng lắm lắm chàng ôi,

Biết đâu thanh vắng mà ngồi thở than.

Khi yêu, ngoài tình yêu đậm đà, tha thiết, phụ nữ Việt Nam lại còn chung tình:


Bao giờ cạn lạch Đồng Nai,

Nát chùa Thiên Mụ mới phai lời nguyền.

Và chung tình cho đến chết vẫn còn chung tình:


Hồng Hà nước đỏ như son,

Chết thì chịu chết, sống còn yêu anh.

Trước khi lấy chồng, phụ nữ Việt Nam cũng có thừa thông minh để lựa chọn ý trung nhân:


Lấy chồng cho đáng tấm chồng,

Bõ công trang điểm má hồng lâu nay.

Hay mượn những vần ca dao nhắn nhủ với giới mày râu rằng muốn kết duyên vợ chồng, gá nghĩa trăm năm với phụ nữ Việt Nam thì:


Đèn Sài Gòn ngọn xanh, ngọn đỏ,

Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ, ngọn lu.
Anh về học lấy chữ nhu,
Chín trăng em đợi, mười thu em chờ.

Đến ngày bước lên xe hoa về nhà chồng, phụ nữ Việt Nam không quên lạy tạ ơn sinh thành của cha mẹ:


Lạy cha ba lạy, một quì,

Lạy mẹ bốn lạy, con đi lấy chồng.

Khi cất bước ra đi về làm dâu nhà chồng, một lần cuối nàng cố ghi lại những kỷ niệm của thời thơ ấu vào tâm khảm:


Ra đi ngó trước, ngó sau,

Ngó nhà mấy cột, ngó cau mấy buồng.

Rồi lúc đã có chồng, người phụ nữ Việt Nam luôn luôn tâm niệm:


Chưa chồng đi dọc, đi ngang,

Có chồng cứ thẳng một đàng mà đi.

Hay:


Đã thành gia thất thì thôi,

Đèo bòng chi lắm tội Trời ai mang.

Lấy chồng, người phụ nữ Việt Nam đẹp duyên cùng chồng:


Trầu vàng ăn với cau xanh,

Duyên em sánh với tình anh tuyệt vời.

Và có hình ảnh nào đẹp hơn vợ chồng hạnh phúc trong cảnh thanh bần:


Râu tôm nấu với ruột bầu,

Chồng chan, vợ húp gật đầu khen ngon.

Dù nghèo, thanh bần nhưng phụ nữ Việt Nam học theo triết lý an phận, vẫn chung tình với chồng, không đứng núi nầy trông núi nọ:


Chồng ta áo rách ta thương,

Chồng người áo gấm, xông hương mặc người.

Tinh thần chịu khó, chịu cực và khuyến khích chồng ăn học cho thành tài được diễn đạt qua những vần cao dao làm nổi bật đức tính hy sinh của phụ nữ Việt Nam:


Canh một dọn cửa, dọn nhà.

Canh hai dệt cửi, canh ba đi nằm.
Canh tư bước sang canh năm,
Anh ơi dậy học chớ nằm làm chi.
Mốt mai chúa mở khoa thi,
Bảng vàng chói lọi kia đề tên anh.
Bõ công cha mẹ sắm sanh,
Sắm nghiên, sắm bút cho anh học hành.

Đã có chồng con, người phụ nữ Việt Nam lại càng đảm đang, vừa lo cho con vừa lo toan mọi công việc nhà chồng:


Có con phải khổ vì con,

Có chồng phải gánh giang sơn nhà chồng.

Hoặc:


Có con phải khổ vì con,

Có chồng phải ngậm bồ hòn đắng cay.

Có con, người phụ nữ Việt Nam lại gánh thêm trách nhiệm làm mẹ với tình mẫu tử thiêng liêng:


Gió mùa thu mẹ ru con ngủ,

Năm canh chầy thức đủ năm canh.

Tình mẫu tử của những bà mẹ Việt Nam bao la như trời bể, luôn luôn bảo bọc, che chở cho con:


Nuôi con chẳng quản chi thân,

Chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo con lăn.

Ngoài ra, phụ nữ Việt Nam còn phải đối diện với cảnh làm dâu nhà chồng. Trước đây, xã hội ta đã quan niệm sai lầm rằng người con dâu phải phục vụ gia đình nhà chồng gần như một người đầy tớ và một số bà mẹ chồng rất khắc nghiệt với nàng dâu gây nên nhiều cảnh thương tâm cho người phụ nữ Việt Nam. Tự Lực Văn Đoàn đã đưa ra nhiều cuốn tiểu thuyết luận đề để đả phá quan niệm sai lầm nầy và ca dao ta cũng lên tiếng thở than dùm cho các nàng dâu Việt Nam:


Làm dâu khổ lắm ai ơi,

Vui chẳng dám cười, buồn chẳng dám than.

Còn nếu đất nước gặp thời chinh chiến, người phụ nữ Việt Nam không bịn rịn mà hăng hái khuyến khích chồng hành trang lên đường trả nợ núi sông:


Anh đi em ở lại nhà,

Hai vai gánh vác mẹ già, con thơ.
Lầm than bao quản muối dưa,
Anh đi anh liệu chen đua với đời.

Phụ nữ Việt Nam, ngoài những đức tính đảm đang, giàu lòng hy sinh, nết na, thùy mị còn là người con rất mực hiếu thảo:


Ơn cha nặng lắm ai ơi,

Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang,

Lòng nhớ công ơn cha mẹ sinh thành, nuôi dưỡng của người phụ nữ Việt Nam còn đươc diễn đạt qua mấy câu:


Ân cha lành cao như núi Thái

Đức mẹ hiền sâu tợ biển khơi.
Dù cho dâng trọn một đời,
Cũng không trả hết ân người sinh ta.

Những món quà nho nhỏ như buồng cau, đôi giày nhưng nói lên lòng hiếu thảo, lòng nhớ ơn công cha nghĩa mẹ của người phụ nữ Việt Nam:


Ai về tôi gởi buồng cau,

Buồng trước kính mẹ, buồng sau kính thầy

Hay là:


Ai về tôi gởi đôi giày,

Phòng khi mưa gió để thầy mẹ đi.

Khi phải đi xa hay lấy chồng xa, người phụ nữ Việt Nam luôn luôn tưởng nhớ về mẹ cha:


Chiều chiều ra đứng ngõ sau,

Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều.

Phụ nữ Việt Nam còn gắn liền với dân tộc và lịch sử vì thế khi tổ quốc lâm nguy, khi sơn hà nguy biến người phụ nữ Việt Nam hăng hái đưa vai gánh vác giang sơn như trường hợp Bà Trưng, Bà Triệu và những vị anh hùng liệt nữ khác.


Hai chị em Bà Trưng là Trưng Trắc và Trưng Nhị, quê quán làng Cổ Lai, đất Mê Linh. Lúc ấy nước nhà đang bị người Tàu cai trị bằng chính sách hà khắc khiến dân ta vô cùng khốn khổ. Rồi vào năm 40, sau Tây Lịch, Thái Thú Tô Định lại bắt giết ông Thi Sách, chồng Bà Trưng Trắc làm cho nợ nước chồng chất thêm thù nhà cho nên Bà Trưng Trắc cùng em là Bà Trưng Nhị đứng lên chiêu tập binh mã, anh hùng hào kiệt khắp nơi để đánh đuổi quân xâm lăng bạo tàn. Quân binh của Hai Bà chiến đấu rất dũng mãnh, chiếm được 65 thành, đánh đuổi quân Tô Định chạy về Tàu. Sau khi đánh đuổi được quân xâm lăng ra khỏi bờ cõi, dân chúng tôn Bà Trưng Trắc lên làm Nữ Vương, đóng đô ở Mê Linh. Đến năm 42, vua Tàu là Quang Vũ nhà Đông Hán sai Mã Viện kéo quân qua phục thù. Trước địch quân hùng hậu, quân ta chống cự không lại nên Hai Bà đã gieo mình xuống giòng Hát Giang tuẫn tiết.


Không có hình ảnh nào vừa hào hùng, vừa lãng mạn cho bằng hình ảnh của hai vị liệt nữ anh hùng gieo mình xuống giòng nước trả nợ núi sông và để lại gương “Thiên thu thanh sử hữu anh thư”. Hai Bà Trưng làm vua được 3 năm, từ năm 40 đến năm 43. Khi vua Tự Đức đọc đoạn sử Hai Bà Trưng, ngài đã ngự phê: “Hai Bà Trưng thuộc phái quần thoa thế mà hăng hái quyết tâm khởi nghĩa làm chấn động cả triều

đình Hán. Dẫu rằng thế lực cô đơn, không gặp thời thế nhưng cũng đủ làm phấn khởi lòng người, lưu danh sử sách”. Và Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca đã ghi lại công nghiệp của Hai Bà bằng những vần ca dao lịch sử:

Bà Trưng quê ở Châu Phong,

Giận người tham bạo, thù chồng chẳng quên.
Chị em nặng một lời nguyền,
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân.
Ngàn Tây nổi áng phong trần,
Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên,
Hồng quần nhẹ bước chinh yên,
Đuổi ngay Tô Định, dẹp yên biên thành.

Còn Bà Triệu, tên thật là Triệu Thị Trinh cùng anh là Triệu Quốc Đạt khởi nghĩa vào năm 248, sau Tây Lịch để chống lại quân xâm lăng Đông Ngô của Tàu. Bà còn trẻ nhưng rất can đảm, Bà thường nói: “Tôi muốn cỡi gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém kình ngư ở biển đông, quét sạch bờ cõi để cứu dân cứu nước chứ không thèm bắt chước người đời còng lưng làm tì thiếp người ta”. Ra trận Bà cỡi voi mặc giáp vàng trông rất oai phong làm quân Ngô khiếp sợ. Nghĩa binh tôn Bà là Nhụy

Kiều Tướng Quân. Bà Triệu đã anh dũng đền nợ nước khi Bà mới có 23 tuổi:

Ru con, con ngủ cho lành,

Để mẹ gánh nước rửa bành con voi.
Muốn coi lên núi mà coi,
Có Bà Triệu Tướng cỡi voi bành vàng.

Bà Trưng, Bà Triệu là những bậc nữ lưu anh hùng đầu tiên trong lịch sử thế giới nổi lên sớm nhất chống ngoại xâm giành độc lập cho dân tộc. Rất lâu về sau nầy nước Pháp mới có nữ anh hùng Jeanne D' Arc nhưng sự nghiệp của Bà Jeanne D' Arc cũng không lẫm liệt bằng công nghiệp to lớn, lẫy lừng của Bà Trưng, Bà Triệu.

Thật xứng đáng:

Phấn son tô điểm sơn hà,

Làm cho tỏ mặt đàn bà Việt Nam!

Mẹ tôi là phụ nữ Việt Nam, tôi rất hãnh diện được làm một người con của phụ nữ Việt Nam. Tôi hết lòng kính yêu mẹ tôi và tôi cũng hết lòng kính mến người phụ nữ Việt Nam qua những cái đẹp và những đức tính cao quý của họ.


LÊ THƯƠNG
Richmond - Virginia