Vẫn tiếp tục cho bài vào blog

Tuesday, July 26, 2011
Mênh Mông Mùa Nước Nổi
Mênh Mông Mùa Nước Nổi
Chiếc điện thoại bé con nằm im trong lòng tay đã lâu nhưng tôi như vẫn còn nghe rất rõ tiếng Tía ở bên kia đầu dây, bên nửa vòng trái đất, bên quê, bên nhà và bên ngày xưa thơ ấu của tôi :
_Quê mình đang mùa nước nổi đó con .
Im lặng mất vài giây, để lòng trôi theo một thứ cảm xúc vô hình níu kéo tôi về những cánh đồng trắng nước mênh mông :
_Nước lên nhiều chưa Tía ?
_Nước bò qua bờ tre sau hè rồi con .
_Lâu lắm rồi con không thấy nước nổi quê mình . _Hình như giọng tôi lúc ấy chùng lại rất nhỏ và bên kia tôi cũng nghe Tía thấp giọng, rất nhỏ :
_Lựa dịp nào về thăm mùa nước nổi nghen con.
Tôi Dạ ! Tiếng Dạ lạc vào khoảng không xa vắng . Tiếng Dạ có theo đường dây điện thoại gửi về bên Tía rõ ràng không, nhưng tôi nghe trong giọng Tía mang theo âm hưởng của nhớ mong và hy vọng .
_Nhớ về thăm quê nghen con ! ...
Dạ Nhớ ! Dạ nhớ để năm này qua tháng khác, để mùa Đông rồi lại mùa Xuân, để mỏi mòn những mùa nước nổi cứ dâng lên rồi rút xuống, như hi vọng của Tía cứ thắp lên như ánh đèn dầurồi lụn tim dần tắt. Nhưng Tía vẫn cứ mong ... và tôi vẫn cứ tin. Tin mình sẽ một ngày trở về thăm những cánh đồng trắng như biển nước, tay xách đôi guốc bảy phân "bò" lên cây cầu khỉ cao lêu nghêu qua đồng bên kia hái trái me nước, chóng xuồng loạng choạng tay sào lắc lư không vững xuống đồng dưới hái bông điên điển về đổ bánh xèo ...mong lắm, nhớ lắm quê ơi ...
Tôi là thế cứ buộc mình với kỷ niệm quê hương, bởi tuổi thơ tôi lớn lên bên ruộng đồng sóng nước, bên bờ kênh, ao cá . Nhưng nhớ nhất với tôi là những mùa nước nổi, nhìn cánh đồng trắng như biển nước, trong lòng tôi gợn lên nhiều hoài cảm, tôi sợ những cơn gió bão mùa nước nổi, nó hiền hoà hay hung tợn, nó mạnh bạo hay dịu dàng, nó nhẫn tâm, vô tình hay cố ý cũng là nguyên nhân cho những tàn phá để những mái nhà cuốn theo dòng nước, những bát cơm trôi khỏi tầm tay, những tấm áo manh quần, những đứa trẻ thơ cứ thế chìm theo dòng nước cứ trôi và cứ trôi ... trôi sâu vào ký ức con người để mỗi mùa nước nổi trong tôi là lẫn lộn buồn vui và lo sợ .
Vui vì nước lên cao, đường xá ngập lụt, trường sẽ đóng cửa tôi sẽ được nghỉ học ở nhà đến khi nước rút, đường khô mới trở lại trường . Tôi sẽ theo lũ bạn trong xóm đi câu cá, hái rau muống, bông súng, tắm đồng . Vui là thế đó, còn buồn là khi xem truyền hình mỗi tối những tin tức nước lên vài ba phân cũng đủ để con người trở thành nạn nhân của sự tàn phá thiên nhiên, gia đình mất nhà, cha mẹ mất con, người dân mất miếng ăn chốn ngủ ... nhưng tuổi tôi khi đó chỉ biết nhìn đến chiếc cần câu trúc và chiếc xuồng con để cả ngày mải mê trốn mẹ ra bờ tre sau nhà câu cá . Những con cá rô mề to bằng ba, bốn ngón tay khi nấu canh chua khi kho tộ .
Đó là khi còn học những năm đầu cấp hai, khi lên lớp 9 vì thi tốt nghiệp nên dù nước lên lấp liếm chân bàn chúng tôi những đứa học trò cuối cấp vẫn phải đến lớp đều đặn chỉ được tha bổng ở khoản không phải mặc áo dài mà thay vào áo trắng quần đen. Mà áo dài sao được, ngoài đường nước ngập không còn phân biệt được đâu đường, đâu sông. Đi lơ mơ lại hụt chân là ướt hết cả áo quần. Đoạn đường từ trường về nhà khoảng gần 1 cây số . Những đoạn cao thì ngang ống quyển, đoạn trũng cũng phải trên đầu gối. Nhà nào tốt bụng thì bắt cầu nối cho bà con đi lại . Nhà nào neo đơn chỉ đàn bà và trẻ con thì để mặc. Đoạn đường ngày thường khô ráo chỉ đạp xe chừng 15 phút, đi bộ mất nửa giờ, nhưng vào mùa nước nổi thì đi từng đoàn người một cũng phải mất vài ba tiếng . Những chiếc cầu tre, cầu ván khập khiểng không bằng nhau. Ống quần xoắn cao cứ lội lên rồi trèo xuống bì bõm nước ăn đỏ cả bàn chân, chiếc cặp thì ôm khư khư sợ ướt . Đã vậy, có những chiếc tắc ráng (tàu đò) chạy ngang sóng đánh ập vào có khi ướt hết cả người .
1.
Mùa nước năm ấy tôi học cuối cấp, đi bộ cùng đám bạn trong xóm được mấy tuần đầu, mực nước ngày càng lên cao . Không ai rõ bằng đám chúng tôi, vì mới hôm qua xoắn quần trên ống uyển, hôm nay cũng bằng đó nhưng "Coi chừng ướt kìa Dung ơi ". Chúng tôi chuẩn bị những sợ dây thung để giữ ống quần cho chặt khỏi phải sợ giữa chừng chúng bung ra lại ướt. Trường cho ba khối 6,7,8 nghỉ nước nên cả dãy phòng học trống chỉ còn khối 9 chúng tôi. Tha hồ phá nghịch, và vào mùa nước không còn những lớp học sáng nữa vì 7 giờ rưởi học chúng tôi phải đi từ 5 giờ rưởi như thế thì học hành gì được nữa, vào lớp chắc phải ngủ gà ngủ gật mất . Nên đổi thời khoá biểu lại cho khối 9 học buổi trưa để chiều thường mưa gió bất chợt đám học trò trong đồng sâu cũng về nhà kịp. Chứ như tụi nhỏ Tiền, Diễm với Cương tan học 3 giờ mà về nhà khi nào sớm nhất thì cũng đến 7 giờ.
Nhóm con gái chúng tôi trên dưới khoảng mười đứa thường đi học chung, bắt đầu từ tôi với nhỏ em cô cậu, rồi ghé réo nhỏ Dung, Thu Hai lần lên xóm trên có Thúy Loan, Diễm Kiều, La Thi ... có khi tụi con trai khoảng năm, sáu đứa bên sông nhập bọn đi cùng nên đường đi học về cứ tình tang đạp xe không biết mệt. Lội nước cũng thế cả nhóm đứa trước đứa sau. Khi thấy chị em tôi đi học cực quá Ba tôi bảo lấy xuồng đi khi ấy nước ngoài đường có đoạn cũng phải ngang eo (ếch). Chiếc xuồng nhỏ xíu cô Tám để tôi và nhỏ em đi với chị Dung con bác Sáu và nhỏ Thu Hai, cháu kêu tôi bằng dì đi. Không phải lội bộ nữa, bốn đứa tình tang bơi bơi chèo chóng, gió mát đồng thanh cứ canh theo nước xuôi đi chừng 30 phút đã tới trường. Nhỏ Liệp, em tôi với chị Dung bơi giỏi nhất vì họ quen chèo chóng, còn tôi ít khi đụng đến mái dầm vì có đi đâu bằng xuồng đâu mà bơi với lội, nhưng tôi ham bơi xuồng lắm cứ giành với tụi nó, khổ cái tôi bơi cứ quay vòng vòng. Nhỏ Liệp cứ ghẹo tôi "chị Hai mà bơi chắc nửa đường "tan học" bơi về là vừa. Nhưng có chí thì "ngứa đầu" ...
Tôi cứ học bơi, không cầm lái được thì tôi cầm đầu, tôi bơi mũi, xuồng cũng đi quá xá đó chứ . Hôm đó về đám Thúy Loan cũng muốn quá giang, đứa nào cũng bơi giỏi .Chiếc xuồng con bé xíu chở thêm vài ba đứa dòm dèm cũng thành 7 mạng. Tôi không "được" bơi nữa vì xuồng nặng mà tôi cứ nại làm xuồng lắc lư, tụi nó sợ chìm nên bắt tôi "ngồi yên" Tôi ức chết đi được nhưng tự thâm tâm tôi cũng sợ "bị chìm" nên ngoan ngoãn ngồi ngắm trời xanh, thỉnh thoảng thích thú vì những sợi rong xanh tôi reo lên và với tay bốc lấy chúng, cả đám được một phen hú hồn vì xuồng nhỏ chỉ cần nhích một chút đã chao mà thấy tôi reo chúng nó "nhiều chuyện" cứ ngoáy đầu nhìn ... Thử nghĩ xem 7 đứa trên một chiếc xuồng con, nói chuyện cũng phải nhỏ giọng, cười cũng phải "dịu dàng" nói chi đến quay đầu cả đám kiểu đó, chúng nó bắt tôi "ngồi im đúng nghĩa", thiệt ghét quá trời .
2.
Và như thế cứ sáng 9 giờ tôi, Liệp, Dung "rời bến" ghé réo nhỏ Thu Hai như thường lệ, chỉ là bây giờ không ghé cổng trước nữa mà bơi lòn sau hè, bơi ngang vườn ổi, hôm nào cũng lặt "một mớ" mang theo gói muối ớt, con đường đến trường nhờ thế cũng "hiền hoà" hơn.Nhưng hiền hoà mấy cũng vụt mất khi ghé vào nhà rước nhỏ La Thi, ở quê người thân mất hay lập mộ sau nhà, đường vô sau hè nhà nhỏ Thi chi chít những ngôi một "nổi" .Nổi vì thấy cái "chớp mộ" trên mặt nước, nhỏ ấy bảo còn nhiều ngôi mộ "đất" bị nước ngập dưới nữa, nhỏ chưa dứt lời tôi thấy Mỹ Dung rút vội cây sào. Đó là buổi sáng trời trong đấy, buổi chiều đưa nó về thì còn rùng rợn hơn nữa kìa. Những thân tre chen chút vào nhau giận hờn chi mà rít kèn kẹt nghe lạnh sống lưng, trời thì sụp tối, đi ngang đó tôi chỉ còn biết co rúm người lại, nín thở. Liệp buông những tay dằm thật nhanh,và mạnh, ngôi mộ sau cùng khuất lại, khi ấy cả đám mới thở phào nhẹ nhõm.
Và một ngày không bình thường như mọi ngày. Một ngày kỷ niệm mùa nước nổi để mãi đến sau này nhắc lại vẫn còn đó cho chúng tôi những trận cười không dứt. Hôm đó đám giỗ ông Nội Út. Nhỏ Thúy An con chú Năm tôi ở xóm Chợ trong. Nó đòi về nhà ăn giỗ. Cái dáng nó coi mỏng mảnh vậy mà bước xuống cũng lắc lư con xuồng. Không nói cũng biết cả đám bảy cộng một bằng tám khi ấy phải "căng thẳng" cỡ nào. Gặp con nhỏ quen ở chợ cứ thấp tha thấp thỏm sợ "chìm xuồng". Cái miệng nó ăn mắm ăn muối gì đâu. Tôi là chúa tin tưởng mấy chuyện gở. Với tôi mở miệng ra phải nói lời "đẹp". Con nhỏ An cứ "xuồng nhỏ xíu, có sao không, coi chừng chìm" ... mỗi câu nói kèm theo "tiếng thở" và cái nhích người. Tôi muốn hét lên với nó, mà sợ tiếng hét của tôi càng làm cho chiếc xuồng "chìm sớm" nên đành ngồi im.
Qua con mương có dòng nước xoáy, mỗi lần nhỏ Liệp bơi qua tôi ngồi niệm phật đầy xuồng. Và, lần nào cũng qua rất yên ả. Thế mà lần này ... nhỏ An cứ hét toáng lên làm Phật không nghe tôi niệm nên ... mái dằm vừa buông qua dòng xoáy thì nước cũng bắt đầu tràn vào, cả đám hổn loạn, có lẽ phật nghe được vài câu tôi niệm nên kéo cả đám vào bờ chứ như chìm nay giữa dòng thì bây giờ tôi đã làm dâu cho Diêm Vương, sanh vài ba đứa con mặt mày giống "Hà Bá" rồi. Cũng may chắc nhằm đất gò nên nước cao ngang tai tôi,phải chi tiết rằng chiều cao tôi lúc ấy rất bé bé xinh xinh, tôi chòi chân chới với một lúc cũng tìm được bờ đê. Không phải nói cũng biết nhỏ An nó la chói lói kiểu nào. Cảnh tượng vô cùng hổn loạn, chỉ có nhỏ Liệp là bình tĩnh kéo giữ chiếc xuồng. Đám còn lại kể cả tôi cứ kêu thất thanh "Có ai không, cứu với" nhưng không có ai nghe. Phần giữa đồng trống, lại chiều, người ta có đi chài cá, giăng lưới đặt câu cũng đã về nhà rồi, mà nhà lại xa trong đường .Bổng như với được vàng, nhỏ An chỉ tay về phía chiếc xuồng câu có gã đàn ông khoảng hai mươi tuổi, phải gọi đàn ông vì con trai ở quê mười tám tuổi đã đòi má cưới vợ, nên biết đâu là thanh niên hay ba bốn đứa con rồi cũng nên, gọi vậy là vừa, cả đám mừng quýnh lớn tiếng kêu cứu nhưng "ổng" cứ ngó về phía chúng tôi rồi buông sào chóng đi tới thản nhiên. Tôi vái trời cho xuồng "ổng" cũng chìm, mà không chìm, ghét thật. Kéo nhỏ An lên bờ đê với tôi, nó đứng lóng ngóng, mặt mày tái xanh như tàu lá. Tụi Liệp, Dung và vài đứa nữa lo tát nước xuồng.
Tôi với Thuý Loan vớt cặp vở. Loay hoay mãi cũng xong, xuồng khô kéo từng đứa lên. Lần này nhỏ An ngồi ngoan hơn cả tôi, không dám thở, tội con nhỏ.Quần áo tập vở ướt mem. Ghé bỏ hai nhỏ Thi, rồi nhỏ Kiều, Thúy Loan, xuồng nhẹ dần.Tôi bắt đầu lật tập ra phơi gió đồng buổi chiều lành lạnh. Về đến vườn ổi nhà Thu Hai, nhỏ An sáng mắt, khỏe tay thôi còn co ro nữa nó cứ chồm người về phía nhánh ổi có những trái thật to mặc chiếc xuồng chao nghiêng, không còn sợ chìm nữa. Về nhà giỗ mâm chiều vừa dọn, mẹ thấy chị em tôi ướt mèm, mẹ tái mặt cô bác cứ xúm vào hỏi han. Sau lần đó Ba tôi giao cho mấy chị em chiếc tam bảng lớn tha hồ chèo chóng. Đó là lần chìm xuồng duy nhất từ nhỏ đến giờ tôi trải qua. Sợ nhưng rất vui và nhiều kỷ niệm
...Từ hôm có chiếc tam bảng đi không phải sợ chìm xuồng nhưng lại mỏi tay chèo chóng, cũng may bọn con trai xin "quá giang" thế là cả bọn trai trai gái gái hơn chục đứa trưa trưa rộn rả xuống ghe, chiều tan lớp lại ồn ào về. Giữa đồng không sóng nước mênh mông lại thấy những chiếc áo trắng chắc nên thơ lắm nhỉ, nếu có ai đó cũng yêu màu áo trắng như tôi ! Trong bọn có Thành và Trước là dân đồng ruộng nên quen chèo chóng, Thành buông tay sào chiếc ghe đi băng băng, tôi tha hồ bới rong, gạt nước không sợ nghiêng, không sợ chao nữa. Lớp chín trong lớp đã có vài cặp biết yêu đương, chúng tôi không ngoại lệ, học trò gắn liền với những trò ma quỷ, chúng tôi chưa biết hẹn hò nhưng cũng biết ghép đôi, ghẹo hết đứa này đến đứa khác. Ghẹo Dung và Trước đến hai đứa đỏ mặt, nhỏ Dung giận hờn tát nước tôi ướt cả áo. Những trận cười cũng giòn tan, rộn rả. Và buồn nhất là khi tháng mười nước bắt đầu rút, chúng tôi vẫn đi đường đồng đến khi đường vô nhà cạn đến không còn đi ghe được nữa, lại bắt đầu lội đường đất. Nước rút, đường lầy lội phải mất một khoảng thời gian mới khô ráo lại được. Qua mùa lũ kỷ niệm sâu đầy thêm thời áo trắng còn lại trong ngăn học ký ức ít ỏi của tôi. Thơi gian dù qua nhưng làm sao phai mờ được hình ảnh cánh đồng đầy nước và đám bạn thời áo trắng cuả tôi .. !
Hết !
Nghi,
Mùa nước '06 nhớ Kỷ Niệm mùa nước nổi năm "một chín... hồi đó"
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment