Vẫn tiếp tục cho bài vào blog

Vẫn tiếp tục cho bài vào blog

Wednesday, August 10, 2011

TIỀN BẠC VÀ HẠNH PHÚC !

TIỀN BẠC VÀ HẠNH PHÚC !
                                                    Vừa là nguyên nhân! Vưa là hậu quả!
                                                                  (Thảo luận bàn tròn)
                                                                               -o()o-

Thân chào các bạn trẻ, chú vắng mặt bấy lậu vì bận công việc riêng. Giờ mới trở lại gặp nhau và hôm nay chúng ta thảo luận về tiền bạc với hạnh phúc trong cuộc sống hàng ngày liệu có được chăng?
Các em lao nhao lên tiếng:
 
- Chúng em chào chú! Và cùng tán thành thảo luận đề tài về Hạnh phúc và Tiền bạc ạ!.
 
- OK, Chúng ta ai cũng biết: đồng tiền có thể cung cấp cho ta rất nhiều lợi ích. Chẳng hạn sẽ có điều kiện cho đời sống tốt hơn; từ ăn mặc, nhà ở, đi du lịch, giải trí, hưởng thụ, chăm sóc sức khỏe và địa vị xã hội nữa v.v. và v.v. Nó đem lại cho chúng ta một cảm giác được sống trong sung túc, nhờ có nguồn tài chánh vững chắc, nó sẽ mang lại sự toại nguyện an vui và hạnh phúc cho chúng ta đúng không các em?.
Một em đưa tay xin nói:
 
- Đúng ạ! Vì thế nên người ta mới đầu tắt mặt tối làm lụng cần cù quần quật suốt đêm ngày để tạo ra đồng tiền hòng thỏa mãn những ước vọng không cùng không tận đấy ạ!
 
- Ồ! Em tham gia ý kiến khá lắm! Thật vậy, còn điều khác nữa. Nếu ta sống trong cảnh nghèo nàn sẽ cảm thấy: Đời sống bấp bênh, sức khỏe không an toàn, tương lai không chắc chắn… Khác hẳn với những nhà giàu có, họ có điều kiện làm ăn vững vàng hơn, do thu nhập nhiều hơn nên cuộc sống cao hơn… Bởi thế, nó có tác động đến tinh thần được mãn nguyện vì vậy mà hạnh phúc được tăng trưởng!  
Một thiếu nữ tuổi teen phát biểu:
 
- Em nghĩ: không phải lúc nào hạnh phúc cũng đi đôi với mức thu nhập cao! Có  rất nhiều trường hợp số tiền kiếm được không nhiều, nhưng chẳng có sự liên quan gì tới hạnh phúc cả. Điều đó giải thích tại sao nhiều người giàu có mà không được hạnh phúc bằng những người ở giai cấp trung lưu. Trong lúc có nhiều người sống tột đỉnh giàu sang lại có một cuộc sống bất hạnh! Khổ đau…
 
- Ý tưởng của em rất sâu sắc, -thế nên chú đề nghị chúng ta đưa ra ba định mức trong cuộc sống để cùng nhau thảo luận nhé! Đó là:
 
1) Đời sống túng bấn! Thiếu trước hụt sau; “tiền vào nhà khó, như gió vào nhà trống”, cho dù tích cực làm lụng và tiết tiệm tối đa… Do thất nghiệp, làm ăn thua lỗ khiến phải sao lãng việc chăm lo cho con cái và gia đình! Cho nên không thể nào mãn nguyện với cuộc sống được, chẳng mấy ai cảm thấy hạnh phúc khi bị chật vật như thế.
 
2) Đời sống vừa đủ! Thu nhập trung bình, chỉ chi tiêu có chừng mực nào đó; chỉ mua sắm những thứ cần thiết mà thôi, không vung phí và cũng không tiết kiệm quá đáng. Thì cuộc sốn an ổn, thanh thản, tự tại… vì thế hạnh phúc sẽ được nâng cao. Bởi vậy, điều quan trọng là luôn giữ được sự cân bằng trong mọi khía cạnh của cuộc sống: Có một công việc thích hợp, và làm những gì luôn mang lại cho bản thân cũng như những người thân niềm vui thú. Có sự nghỉ ngơi, giải trí, thể thao, giao tế bạn bè… đó là một trong những yếu tố chính của hạnh phúc.
 
3) Đời sồng dư thừa! Tiền bạc không phải là con dao 2 lưỡi! Vốn tiền bạc chẳng có tội tình gì, vì bản chất nó là vật vô tri vô giác, có chăng là do con người sử dụng nó tạo nên phước hay gây nên họa mà thôi. Vì vậy, đừng quy trách nhiệm cho tiền bạc, mà hãy xét lại cách ứng xử của chính mình đã. Chẳng hạn, hai vợ chồng trong một gia đình nọ khi còn hàn vi hay chỉ đủ sống mà thôi. Thì rất mực thương yêu nhau; hạnh phúc chứa chan, tràn đầy. Nhưng sau một thời gian làm ăn tần tảo sớm hôm, có của ăn của để, dư thừa tiền bạc; tức giàu có hơn trước. Thì thói đời thường sinh tật: “Giàu đổi bạn, sang đổi vợ”, vênh vang hỗng hách! Đa số là như vậy. Nếu không thì cũng hưởng thụ qua thú rượu chè, cờ bạc, hút sách…v.v. Người vợ dù có thương yêu chồng tới đâu cũng có chừng mực! Khiến phát sinh: “Ông ăn chả, bà ăn nem”, từ đó. “Đồng sàng, dị mộng”… Thế là mọi bất hòa bùng nổ, hạnh phúc đổ vỡ, con cái ly tán… Tại sao ư! -Tại ta hay tại tiền? Cho nên, có lắm tiền nhiều của đôi khi còn bất hạnh là khác. -Nguyễn Ngọc Ngạn ví von ở cuộn băng Paris by Nigh nào đó: “ăn cơm ở nhà là tượng trưng người vợ, ra ngoài đường ăn quà là tượng trưng sự lăng ngăng bô bịch, đào kép nhí!…”. -Người đời thường có như vậy, do lắm tiền nhiều của mới ra phố ăn quà (nếu không dư tiền thừa của thì lấy đâu mà đi ăn quà?), vì ăn quà ngon hơn ăn cơm; bởi lạ hơn cơm do ít khi được ăn. Trong khi cơm thì ngày nào mà chả ăn, có khi vợ bắt ăn và còn bắt ăn thật no là khác! Thế nên quen thuộc và đôi khi nhàm chán là khác. Mà ăn quà ở quán hàng được tiếp viên chiêu đãi nhiều thứ khác lạ; vừa thơm ngon vừa ấm áp và cả âm nhạc réo rắt bên tai thanh thoát nhẹ nhàng nữa!!!. Cho nên. “ăn một, lại muốn ăn hai, ăn ba, ăn bốn lại là ăn năm!”. Đã thế, ăn quà thì không món nào giống món nào, không tiệm nào giống tiệm nào… Nhất là ăn quà thường ăn chung với bạn bè cùng sở thích vui hơn. Còn ăn cơm ở nhà chỉ ăn với vợ mà thôi. -Chưa hết! Đối với cơm ở nhà thì đã ăn mấy mươi năm rồi vẫn y nguyên như thế! -Còn nữa, một đôi khi đã ăn quà quen miệng thì khó bỏ dược, cứ muốn ăn hoài… Thế là mang nợ! vào thân!   
Có em đứng lên xin nói:
 
- Em có ý kiến, như chú vừa phân tích có 3 trường hợp: -Túng bấn, -Vừa đủ và -Dư thừa. Thì em sẽ chọn “vừa đủ”. Tại sao ạ? Rõ ràng sự túng bấn khiến đời sống bị  thiếu trước hụt sau; làm bữa sáng lo bữa tối, quần áo không đủ mặc, nhà thuê cửa mướn, đời sống bấp bênh; tương lai đen tối... thì làm sao có hạnh phúc cho đặng? Nếu có chăng, chỉ một khoảnh khắc thoáng qua trong tiềm thức mà thôi. Còn trường hợp dư thừa, nếu có cũng không khước từ, nếu không cũng chẳng sao. Vì dư thừa chỉ là xa xỉ chứ không phải là nhu cầu cần thiết trong sự sống hàng ngày. Hơn thế nữa, trên hai ngàn năm trước, Đức Thích Ca Mâu Ni có dậy: con đường “trung đạo”, ở giữa 2 cực; không khổ hạnh và cũng chẳng lợi dưỡng. Khổ hạnh thiếu yếu tố tăng trưởng, khiến đời sống mong manh, đen tối... Lợi dưỡng dẫn đến tha hóa khổ đau… và Nguyễn Công Trứ cũng nói tương tự: “Tri túc, tiện túc, hà thời túc” (thấy đủ là đủ! Muốn đủ, thì biết bao nhiêu mới đủ).
 
- Ý kiến của em quả đã đi vào trung tâm chủ đề hôm nay một cách chính xác. -Thật vậy, chúng ta không khước từ làm ra của cải vật chất để được giàu có. Nhưng chỉ làm giàu bằng một cách chính đáng, lương thiện và tử tế! Không chèn ép bóc lột kẻ dưới thế, không mưu mô thủ đoạn, chẳng lường gạt của người khác để vơ vào cho riêng mình… Hành xử được như thế thì dù có lắm tiền nhiều của tới đâu cũng hạnh phúc như thường. -Chỉ có điều khi ta giàu có thì thường có khuynh hướng sa đà trác táng mới gây ra bất hạnh mà không có khả năng tỉnh thức được như Bill Gate lúc ông ta bỏ ra 37 tỷ đôla cho quỹ từ thiện ông nói rằng: “Tiêu tiền cũng khó như lúc làm ra tiền…”. -Không sai! Có lắm thứ trên đời này không thể dùng tiền mà mua đặng. Người ta có thể mua được ngôi biệt thự nguy nga tráng lể, nhưng làm sao mua được mái ấm gia đình! Người ta có thể mua được nệm êm chăn ấm, nhưng không thể mua được giấc ngủ an lành mà không thao thức trăn trở lo toan, tính toán! Người ta có thể mua được những cô người mẫu hay hoa hậu hoàn vũ, nhưng làm sao mua được tình yêu chân thật, trung thành…
Một em xin thưa:
 
- Em chuẩn bị lập gia đình với một cô bạn gái học cùng trường, giờ nghe chú nói làm em hoang mang và lo lắng quá chừng!.
 
- Chú gợi ý với em nhé! Ta đặt kế hoạch trước khi bắt đầu cuộc sống chung của hai vợ chồng, thường trải qua từng bước:
 
1) Bước thứ nhất là: “tìm hiểu nhau trong thực tướng của nhau”. Vì giai đoạn yêu nhau chỉ biết nhau qua lý thuyết và hình dáng, mà vốn lý thuyết bao giớ cũng đẹp và dễ thương hơn so với thực tế và hình dáng thì cũng phai tàn hay nhàm chán qua thời gian. Khi đã sống chung với nhau thì cái thực tế nó mới ló ra cái thực tướng của nàng (hay chàng). Ví dụ: Tính nàng ưa chuộng hình thức bề ngoài, chẳng hạn đi đâu là sửa soạn hàng giờ; nào tô son chét phấn, nào ngắm nghía quần áo, thay cái này, đổi cái khác. Rồi uốn a uốn éo trước gương đủ bộ tịch như vai hề trong gánh hát cải lương… Mà tính chàng thì xuề xòa đơn giản, miễn sao tươm tất là được rồi. Chưa hết, nàng luôn thích đi shopping mua sắm những đồ trang sức cho cá nhân mình và túm năm tụm ba với những bạn cùng sở thích như nàng mà việc nhà thì xao lãng… Bây giờ chàng mới chợt nhớ đến câu tục ngữ của Roma: “Không ai làm lãnh tụ được với viên bồi phòng” thì đã muộn màng.
Mấy em cùng lúc đưa tay xin hỏi:
 
- Thế còn bước thứ nhì và thứ ba ra sao hả chú?
 
- Thì từ từ đã, chú sẽ trình bầy tuần tự để được mạch lạc và rõ ràng!
 
2) Bước thứ hai là: “phải tùy nghi với hoàn cảnh”. Bước thứ nhất ta tìm hiểu và biết được thực tướng của nàng (hay chàng) rồi. Thì bây giờ ta phải tùy vào hoàn cảnh như thế mà thích nghi với hoành cảnh đó, dù phải ép lòng đi nữa để duy trì hạnh phúc. Theo thống kê, tỷ lệ ly dị ở những cặp vợ chồng nhà giàu luôn cao hơn những cặp vợ chồng có cuộc sống vừa đủ. Tại sao ư? Tiền bạc thường là nguyên nhân hàng đầu. Họ không có khả năng bàn bạc và thỏa thuận với nhau, nên dễ sinh mâu thuẫn và lời qua tiếng lại và có khi nghi ngờ nhau nữa.. Thế là, tiền bỗng dưng trở thành nguyên nhân tan vỡ! Con người có thể làm ra tiền bạc, có thể mưu cầu hạnh phúc qua tiền bạc, nhưng không vì thế mà nó có khả năng định đoạt tình yêu và hạnh phúc của ta, nếu ta không biết thích nghi với điều kiện của nhau! Nhất là ta không có khả năng coi tiền bạc chỉ là phương tiện để sống, chứ tiền bạc không phải là cứu cánh của cuộc đời. Nói thì nói vậy thôi, chứ tiền bạc nó có giá trị tùy quan niệm từng người, khó mà thay đổi được sự đam mê tiền bạc của họ. Họ đam mê đến mức lương tâm, danh dự, tư cách đạo đức xem như không có nếu so với tiền bạc. Bất hạnh thay, nếu cả hai vợ chồng đều thuộc hạng người ham mê tiền bạc! Cho nên mới có tình trạng anh chồng chở vợ đến điểm hẹn cho ông xếp thỏa mãn xác thân hầu được thăng quan tiến chức, vì nhờ có chức mới có quyền, nhờ có quyền mới có tiền!!! Cho nên tháng trước chú đã nói với các em rằng: “KINH TẾ, LIỀN VỚI TẬN THẾ MỘT VẦN” là vậy đó. Tuy nhiên, ta phải biết lo lắng nếu chẳng may cuộc sống trong tình trạng nghèo khổ, nên ai cũng muốn gia đình khá lên, để có điều kiện cho con cái ăn học thành người, xây dựng một mái ấm…
 
3) Bước thứ ba là: “ổn định đời sống gia đình luôn cả đời sống tâm sinh lý nữa”. Đây là bước gay go nhất và cũng quan trọng nhất, vì nó quyệt định tạo nên: “Thiên đàng hay địa ngục” là giai đoạn này đây. -Vậy thì ngay sau khi kết hôn, cả hai vợ chồng cùng làm một việc là: “Bỏ đi 50% cái mà cá nhân mỗi người ưa thích, đồng thời thực tập sống quen với cái bản chất mà chồng (hay vợ) có từ lâu, đã trở thành quán tính một cách vô thức (một khi đã trở thành vô thức thì cái ‘tiêu cực’ không còn thấy là tiêu cực nữa). Cho nên khó mà thay đổi được nếu họ thiếu nghị lực cương quyết, nhất là không đủ lý trí nhận diện ra cái sai trái đó. Ví dụ: Lúc chưa thành vợ thành chồng khi xác định một vật sở hữu nào đó thì nói: “cái đó của tôi”, nhưng bây giờ mà nói thế là sai. Mà phải nói: “cái đó của chúng ta”; tài sản mà hai người cùng nhau dành dụm, cho dù do ai làm được, đều là của chung. Chỉ khi nào nhận thức được như vậy, vợ chồng mới thật sự là "tuy hai mà một, tuy một mà hai". Những cái nho nhỏ ấy sẽ tạo cho vợ chồng trọn vẹn tin tưởng, và thương yêu nhau. Dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào; nghèo khổ hoặc vừa đủ hay dư thừa, Chú không còn nhớ ai đã có lời khuyên (đại khái) là: “vợ chồng luôn luôn chân thành với nhau về mặt tiền bạc, đừng giấu giếm nhau về mức thu nhập và cả việc chi tiêu của mình. Điều này rất nguy hiểm vì nó là mầm mống của sự nghi ngờ lẫn nhau và là động cơ để vợ chồng mạnh ai người ấy tích góp tiền bạc riêng, phòng khi... xảy ra ly dị thì đỡ bị thiệt thòi!...”. Như vậy, vợ chồng phải tự coi nhau như: Vừa là đầy tớ của nhau, vừa là ông bà chủ của nhau nữa… Đúng không các em???
            Một em đưa tay xin nói:
 
- Phức tạp như thế thì sống độc thân mà sung sướng hơn chú ạ!
           
            - Đâu chỉ có chừng ấy! Còn hàng ngàn, hàng vạn lần phức tạp hơn thế nhiều. Chú có thể kể cho các em nghe suốt đêm nay cũng không hết những trường hợp vô cùng phức tạp đấy. Tuy nhiên, không có nghĩa là chồng (hoặc vợ) không có quyền chi tiêu cho những mục đích cá nhân, mà quan trọng là phải minh bạch cho nhau biết thế thôi. Như vậy sự minh bạch đâu có thể gọi là phức tạp hay sao? –Chú từng thấy có ông chồng đưa tiền cho vợ đi chợ, khi về còn dư bao nhiêu, đưa trả lại chồng đấy. Vợ chồng như vậy liệu có hạnh phúc hay chăng??? -Còn nữa, ngày chú mới đặt chân tới Úc. Người ta mời đi nhà hàng ăn uống. Chú xếp hàng sau những cặp vợ chồng già có, trẻ cũng có. Nhà hàng theo kiểu Buffet, tức là trả tiền trước tại quần ‘thâu ngân’ ngoài cửa, xong vào trong thì tự ý chọn món gì và lấy bao nhiêu tùy thích. Chú thấy hai vợ chồng cùng đi với nhau nhưng tiền ai nấy trả (tức là chồng trả phần chồng, vợ trả phần vợ). Nhìn cảnh ấy, chú không thể hiểu nổi tình và nghĩa của vợ chồng họ ra sao? Và hạnh phúc của họ như thế nào nữa?   
            Một em gái đặt câu hỏi:
 
            - Thế chính bản thân chú, chú nắm giữ tiền bạc ra sao ?
 
            - Ồ! Chú ấy à! Nói ra, các em khó tin. Nhưng vì em hỏi nên chú phải nói: Chú xuất thân từ một nghịch cảnh, là đứa trẻ mồ côi cha khi mới biết bò! Sống trong cảnh ‘mẹ góa, con côi’; lần than cơ cực; 6-7 tuổi đã phải đi ở làm đầy tớ và làm thuê làm mướn… đi làm được bao nhiêu mang tiền về đưa hết cho mẹ. Lớn lên đi làm xa thì giao cho cho người cần vụ, sau lấy vợ lại giao cho vợ nắm giữ. Mọi thu chi, vợ và các con cứ mở ngăn hộc hay két sắt ra mà chi tiêu…(vì tiền bạc trong gia đình là của chung; chỉ có một chỗ để mà thôi). Khi thành lập các cơ sở ngành nghề khác nhau, nơi chốn khác nhau thì do người đại diện mỗi cơ sở ấy nắm giữ. Đến sau 1975 thì bàn giao nhà cửa và xí nghiệp, trang thiết bị sản xuất và tài khoản cho chính quyền cách mạng thâu tóm, còn lại bao nhiêu cho đến bây giờ đang đi dần vào cuối đông của cuộc đời thì chỉ còn nhận tiền trợ cấp xã hội, lại do một mình vợ nắm giữ… Tóm lại, về tiền bác chú thanh thản! Kể cả những lúc hàn vi, túng thiếu nhất về cuộc sống bàn thân và gia đình.
            Em trưởng toán nêu ý kiến:
 
            - Nghe chú kể về quá khứ đời mình, khiếm em thương chú vô cùng! Giờ xin chú tóm tắt về khái niệm sau hôn nhân của đôi lứa sẽ làm những gì để đạt hạnh phúc ạ?
 
            - Mọi quyết định khởi sự cần thảo luận thẳng thắn trên tinh thần bình đẳng. Tuy nhiên, bản chất của thảo luận là đi đến tranh cãi, tranh cãi cái lập trường và quan niệm sống của mỗi người sẽ được bộc lộ một cách rõ ràng nhất do đó sẽ là cơ hội tốt để ta hiểu biết lẫn nhau và hiểu nhau thêm nữa. Rồi đi đến thống nhất trước khi tiến hành. Khi đã tiến hành thì cố gắng giữ cho bằng được những gì đã nhất trí với nhau trong thảo luận. Nếu quá trình thực thi mà cần thay đổi điều gì thì thông báo cho nhau biết, chứ đừng bỏ qua để tránh sự nghi ngờ cho nhau (mỗi ngày một ít, lâu lâu thành to lớn…). Nhất là quan niệm về tiền bạc thường khác nhau cũng rất có thể sẽ khiến cuộc sống của đôi lứa mất hạnh phúc, nhất là khác nhau về cách chi tiêu và mục đích của việc chi tiêu. Ví dụ: Chồng thì thích cuộc sống thoải mái, rộng rãi nhưng vợ thì thích tằn tiện, tính toán chi ly. Chồng thì thích mạo hiểm đầu tư tiền bạc để làm ăn lớn nhưng vợ thì lo sợ chỉ muốn thủ; Chồng thì không muốn cho con cái tiền bạc, vì sợ chúng hư hỏng đua đòi, nhưng vợ thì hay nuông chiều con cái... Tất cả những mâu thuẫn ấy đều dẫn đến những cuộc khẩu chiến giữa hai vợ chồng rồi hờn giận nhau cả ngày, có khi cả tuần không ai chịu làm hòa với ai trước, bởi tính tự ái, tính hơn thua… Đấy! Các em liệu mà lo toan trước đi. Nếu có thể, các em bàn đến “nó” trước khi kết hôn càng tốt.
            Em khác nêu thắc mắc:
 
            - Vậy làm sao có thể cân bằng giữa hạnh phúc và tiền bạc?
 
- Tình và tiền là hai yếu tố ảnh hưởng lớn tới hạnh phúc gia đình. Nên làm thể nào để vẹn toàn cả đôi đường khi vợ chồng xảy ra không nhất trí về vấn đề này? Có lắm trường hợp, tài chánh của vợ và chồng khác nhau; người này kiếm tiền nhiều hơn người kia. Mỗi người có quan niệm khác nhau về giá trị đồng tiền. Trên thực tế, sự khác biệt dẫn đến mâu thuẫn nhỏ nếu không giải quyết ngay từ đầu sẽ có thể ảnh hưởng tới hạnh phúc khôn lường, cho nên đã là vợ chồng thì không so đo, không tính toán thiệt hơn cho riêng mình là biện pháp hữu hiệu nhất./.

No comments:

Post a Comment